Thị trường cua từ lâu khá đa dạng, phong phú, do các tỉnh ven biển đều có cua, tuy nhiên cua Năm Căn từ khi có chứng nhận nhãn hiệu tập thể thì được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến như một sản phẩm tiêu biểu trên thị trường cua hiện nay. Bởi người tiêu dùng biết được “Cua Năm Căn - Cà Mau” có chất lượng thịt chắc, thơm ngon, sức sống tốt hơn cua các vùng khác. Từ khi được mang nhãn hiệu “Cua Năm Căn - Cà Mau” thì loại sản phẩm tươi sống giàu dinh dưỡng này không chỉ nổi tiếng trong tỉnh, trong nước mà hiện nay đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Vì đã trở thành thương hiệu đặc sản tươi sống nổi tiếng của địa phương nên rất có thể dễ bị mạo nhận, giả danh, vì thế chủ sở hữu nhãn hiệu “Cua Năm Căn - Cà Mau” là Hội Thủy sản huyện Năm Căn cần quy định tiêu chuẩn cua được phép gắn nhãn và Ban Quản lý sử dụng nhãn hiệu tập thể này có kế hoạch giám sát, kiểm tra chất lượng sản phẩm khi gắn nhãn, cũng như việc quản lý sử dụng nhãn hiệu tập thể tại các cơ sở sản xuất kinh doanh cua được phép gắn nhãn chung, để kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm, nếu có. Cụ thể xin đề xuất: Chỉ nên chọn xuất bán và dán nhãn hai loại cua y chắc và cua gạch, tuyệt đối không chọn cua ốp, để bảo vệ nguồn lợi và để không làm mất uy tín nhãn hiệu. Nên phân loại cua được gắn nhãn hiệu “Cua Năm Căn - Cà Mau” theo hai loại: 1 và 2, có quy định kích cỡ cho từng loại. Ví dụ cua y từ 2 con/kg trở lên hay 2 - 3 con cua gạch/kg là loại 1; cua y từ 3 - 4 con/kg hay 3 - 5 con cua gạch/kg và loại 1 bị gãy 1 càng, ngoe là loại 2. Không chọn đóng bao, gắn nhãn loại trên 5 con/kg bất kể cua y hay cua gạch để giữ thương hiệu. Cần quy định thống nhất tương đối về quy cách, chất liệu, tỷ trọng dây trói/kg sản phẩm cho cua loại 1 và loại 2. Phổ biến rộng rãi quy trình nuôi, chăm sóc và khai thác cua sao cho đúng chuẩn kích cỡ và chất lượng cua thương phẩm loại 1 và 2.
Để tạo điều kiện tốt cho nhãn hiệu “Cua Năm Căn - Cà Mau” tồn tại và phát triển bền vững, lãnh đạo huyện, ngành chức năng cần rà soát điều kiện tự nhiên, tiến hành quy hoạch vùng nuôi cua chủ lực để tạo vùng nguyên liệu cung cấp đủ sản phẩm ổn định cho những cơ sở kinh doanh đã được phép gắn nhãn hiệu tập thể được chứng nhận nêu trên. Đồng thời Hội Thủy sản huyện Năm Căn cần vận động những thành viên được phép sử dụng nhãn hiệu trong huyện tổ chức lại sản xuất, liên kết, giám sát nhau trong việc thu mua nguyên liệu - phải đảm bảo đạt chuẩn chất lượng và kích cỡ. Ngoài ra cũng cần rà soát, ban hành, phổ biến những quy chế trong cấp phép gắn nhãn, trong liên kết, tổ chức sản xuất cho cộng đồng, để trong việc tổ chức nuôi, bảo vệ, khai thác cua đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng. Bên cạnh đó cũng cần thông báo rộng rãi những quy định nghiêm cấm mọi hình thức lạm dụng khai thác làm suy giảm nguồn cua và có chế tài mang tính răn đe cao, hữu hiệu, nhằm bảo vệ thật tốt nguồn lợi cua trong vùng, trong đó có nguồn nguyên liệu cua đạt chuẩn.
Để thương hiệu “Cua Năm Căn - Cà Mau” được đứng vững và thành thương hiệu uy tín, bền vững trên thương trường, được người tiêu dùng các nơi luôn ưa chuộng, thì các chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể này phải chọn và phân loại cua đạt kích cỡ từng loại, cùng quyết tâm không thu mua, không xuất bán sản phẩm chưa đạt kích cỡ chuẩn để bảo vệ nguồn lợi và nhằm tránh tình trạng khai thác bán cua non....