Với nhiều năm nghiên cứu về đa dạng sinh học, ông đánh giá như thế nào về vịnh Nha Trang?
Tôi đã nhiều lần đến công tác tại Nha Trang, vịnh Nha Trang là một trong những khu vực có tầm quan trọng bậc nhất về bảo tồn biển và du lịch biển của Việt Nam. Rạn san hô ở đây có tầm quan trọng mang tính quốc tế và đa dạng sinh học thuộc loại cao nhất ở Việt Nam với hơn 350 loài san hô cứng tạo rạn, trên 230 loài cá rạn cùng với các loài thân mềm, giáp xác...
Đa dạng sinh học là quà tặng ưu ái của thiên nhiên dành cho vịnh Nha Trang. Tuy nhiên, cũng như nhiều vùng biển khác, vấn đề khai thác, đánh bắt thủy sản một cách không khoa học, cộng với ô nhiễm môi trường luôn là một bài toán được đặt ra cần có cách giải phù hợp, hiệu quả và triệt để.
Theo ông, làm thế nào tạo sự cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường biển vịnh Nha Trang?
Đây là vấn đề không phải đơn giản nhưng cần phải thực hiện vì sự phát triển bền vững, để sự phát triển du lịch không gây tổn hại đến môi trường sinh thái biển. Mất đi vẻ đẹp của rạn san hô, sự đa dạng sinh học biển cũng có nghĩa là làm cho hình ảnh du lịch mất đi sự hấp dẫn.
Ở Đức, chúng tôi cũng đối mặt với nguy cơ tương tự, vì thế theo kinh nghiệm của mình, tôi nghĩ sự thành lập Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang (trước đây là Khu Bảo tồn biển Hòn Mun) là một việc làm vô cùng có ý nghĩa, góp phần cải thiện đáng kể độ che phủ của rạn san hô cũng như số lượng các loài sinh vật biển khác.
Khoanh vùng các khu vực lặn biển, không để du khách có thể tiếp cận toàn bộ khu bảo tồn. Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục về tầm quan trọng của hệ sinh thái biển ngay từ các lớp tiểu học. Điều quan trọng là phương pháp quản lý thống nhất, bảo đảm có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chịu trách nhiệm về nguồn lợi biển.