Thông tư 128 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có hiệu lực từ 1/11 đã khiến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu và cả cơ quan làm thủ tục thông quan lúng túng.
Theo đó, điều 27 (điểm mới của thông tư này) quy định, các doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận kiểm định của cơ quan chuyên ngành, sau đó mới được thông quan chuyển hàng ra khỏi cảng. Nếu việc kiểm tra không thể thực hiện tại cửa khẩu, phải đưa về công trình, nhà máy, kho của doanh nghiệp hoặc cơ quan kiểm tra thì cơ quan chuyên ngành phải có văn bản đề nghị hải quan cho phép và chịu trách nhiệm giám sát, quản lý hàng hóa cho đến khi được hải quan xác nhận thông quan.
Đại diện một công ty xuất nhập khẩu thủy sản ở tỉnh Bình Dương cho hay, quy định trên một tuần nay đã làm hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ngưng trệ. Vì việc chờ kết quả kiểm định của cơ quan chuyên ngành mất ít nhất 10 ngày. Trong khi cả 2 cơ quan quản lý trên đều không có kho bãi, nên hàng của doanh nghiệp này vẫn nằm tại cảng không tiêu thụ được.
“Sang tuần nếu hải quan tháo gỡ được khó khăn chúng tôi mới có thể sản xuất lại”, đại diện công ty này cho hay.
Theo ghi nhận của VnExpress.net, không chỉ doanh nghiệp thủy sản mà một số doanh nghiệp muối, dụng cụ y tế, thức ăn chăn nuôi, phân bón cũng gặp phải hoàn cảnh tương tự. Hàng hóa nhập về cảng Cát Lái và cảng ICD (quận Thủ Đức) dễ hư hỏng do phải chờ kiểm tra chuyên ngành, chưa kể chi phí lưu kho bãi lớn phát sinh.
Khoản 1, điều 36 của thông tư này cũng khiến nhiều doanh nghiệp địa phương lao đao.
Cụ thể, doanh nghiệp có cơ sở sản xuất tại địa phương nào thì khai báo hải quan tại địa phương đó, trong khi trước đây có thể khai báo hải quan tại nơi thuận tiện nhất. Điều này khiến chi phí cũng như thời gian làm thủ tục của một số doanh nghiệp khó khăn. Bởi có nhiều địa phương điều kiện bến bãi và dịch vụ vận tải quốc tế tại địa phương không có hay chưa đáp ứng được nhu cầu tiết kiệm chi phí đối với doanh nghiêp.
Ông Nguyễn Văn Kha, đại diện Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai, cho hay, công ty có cơ sở sản xuất tại nhiều tỉnh thành, hàng nhập và xuất khẩu đều qua các cảng, sân bay, chuyển phát nhanh quốc tế tại TP HCM. Tuy nhiên, theo khoản 1, điều 36 Thông tư 128/2013/TT-BTC, công ty chỉ được khai thủ tục hải quan tại nơi có cơ sở sản xuất chứ không được khai ở TP HCM như trước đây. Điều này khiến doanh nghiệp phải tăng chi phí và thời gian chờ đợi, trong khi nguyên vật liệu cần cung cấp nhanh và liên tục cho sản xuất.
Ông Kha đưa ra dẫn chứng, nếu được khai báo tại hải quan TP HCM như trước đây thì chỉ mất một ngày là xong, nếu sai sót có thể lên 3 ngày. Hiện nay, dù bộ phận chuyên trách làm thủ tục cố gắng nhanh nhất cũng mất 3 ngày để hàng có thể về Đồng Nai bổ sung cho sản xuất và có thể tới một tuần (nếu có trục trặc về khai báo, chứng từ khách hàng).
“Tình trạng lưu kho, lưu bãi gia tăng do thời gian luân chuyển công văn, chứng từ hải quan kéo dài. Chi phí vận tải, giao nhận chứng từ nội địa, nhân sự tăng cao. Ngoài ra, hàng còn về nhiều cảng khác tại TP HCM chứ không phải chỉ về một cảng duy nhất”, ông Kha cho biết thêm.
Cũng gặp phải khó khăn này, ông Vinh, đại diện Công ty cổ phần may Tiền Tiến, cho hay, hiện tại tất cả hàng hóa đại lý giao nhận của công ty đều nằm ở TP HCM. Nếu được thông quan qua cảng TP HCM như trước đây thì rất nhanh, nhưng nay mang về tỉnh Tiền Giang khai rồi phải chuyển hồ sơ lên TP HCM mới được thông quan hàng hóa. Điều này chẳng khác nào vòng luẩn quẩn làm chậm tiến độ sản xuất. Trong khi đó, các đơn hàng FOB đòi hỏi tiến độ giao hàng của công ty phải đảm bảo, nếu chậm đối tác có thể sẽ hủy bỏ đơn hàng.
Đại diện doanh nghiệp chuyên chế biến và xuất khẩu thủy hải sản tại Đồng Tháp cho biết, gần 5 container hàng của công ty đang nằm lại Tân Cảng, Cát Lái chờ giấy kiểm định của cơ quan chất lượng. Ngoài ra, công ty còn phải “chạy đôn chạy đáo” làm thủ tục thông quan ở dưới tỉnh nhưng cho đến thời điểm này đã một tuần nhưng chưa được thông quan. Công ty cũng đã đệ đơn nên Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính kiến nghị nhưng vẫn chưa thấy câu trả lời.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP HCM cho hay, hiện chưa có thống kê cụ thể số lượng hàng hóa tồn tại các cửa khẩu chờ kiểm tra chuyên ngành nhưng cũng đã gây ùn ứ tại cảng. Để đảm bảo các sản phẩm kém chất lượng không tuồn lậu ra thị trường, Cục Hải quan phải giám sát chặt chẽ. Trước đây có doanh nghiệp nhập 10.000 phích (bình thủy) điện, cơ quan quản lý chuyên ngành cho mang về kho riêng nên hải quan giải quyết cho mang ra nhưng chưa kịp kiểm tra thì hàng đã bán hết ra thị trường. "Nếu sản phẩm kém chất lượng sẽ gây hại cho người tiêu dùng, khi đó cơ quan quản lý là đơn vị có lỗi", ông nói.
Trước những vướng mắc của doanh nghiệp tại thông tư 128, Cục Hải quan TP HCM đã đệ trình những khó khăn của doanh nghiệp lên Tổng cục và Bộ Tài chính để tìm hướng giải quyết. Mặc dù Tổng cục đã tháo gỡ bằng cách cho doanh nghiệp mang sản phẩm về kho nhưng phải được sự đồng ý giám sát của cơ quan quản lý chuyên ngành. Hiện nay cơ quan này lại chối trách nhiệm và viện lý do cơ quan cấp trên chưa có chỉ đạo nên hàng hóa vẫn chưa được giải quyết nhanh chóng.
Ông Đặng Thái Thiện, Phó phòng giám sát và quản lý hải quan, Cục Hải quan TP HCM cho biết, trước khi quy định có hiệu lực, Cục hải quan TP HCM dự đoán những khó khăn của doanh nghiệp nên đã có văn bản chỉ đạo các chi cục trước một tháng, đề nghị các đơn vị này thông báo rộng rãi đến doanh nghiệp.
Đối với điều 27, Hải quan đã tháo gỡ cho doanh nghiệp bằng cách cho các mặt hàng như ôtô, xe gắn máy, muối, phân bón, mặt hàng bảo quản có điều kiện đặc biệt được mang hàng về kho của doanh nghiệp nhưng phải có sự giám sát và kiểm tra của Hải quan. "Đáng nhẽ ra, việc giám sát này phải của cơ quan chuyên ngành nhưng do cơ quan chuyên ngành đùn đẩy trách nhiệm nên hải quan phải làm để giúp doanh nghiệp giải quyết hàng ùn ứ", ông Thiện nói.
Theo ông Thiện, hiện cơ quan hải quan đã tháo gỡ một bước thì cơ quan quản lý chuyên ngành cũng nên "năng động" giải quyết ách tắc ùn ứ tại cảng. Cơ quan này nên phân danh mục hàng hóa cần kiểm tra, xem mặt hàng nào nên kiểm tra trước khi thông quan hoặc nên kiểm tra trước khi đem ra bán trên thị trường để giảm bớt áp lực tại cảng. Mặt khác, cơ quan kiểm tra chuyên ngành nên xem xét rút ngắn quy trình kiểm tra, để tránh thời gian ra kết quả quá lâu làm ảnh hưởng đến việc thông quan.
Còn đối với điều 36, Cục Hải quan TP HCM cũng đã gửi toàn bộ kiến nghị của doanh nghiệp lên Tổng cục và Bộ Tài chính và đang chờ ý kiến chỉ đạo.