Hiện nay là thời điểm nước từ thượng nguồn sông Mê kông đang đổ về ĐBSCL, người dân địa phương gọi đó là mùa nước lên, nước nổi. Đây cũng là mùa mà con nước từ thượng nguồn mang theo bao sản vật tự nhiên ban tặng về cho người dân châu thổ sông Cửu Long, trong đó nhiều nhất vẫn là nguồn lợi thủy sản, với nhiều loại cá, tôm...
Theo quy luật ngàn đời nay, năm nào nước từ thượng nguồn đổ về nhiều, đồng đất nơi đây ngập sâu thì cá tôm cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Năm 2017, nhiều chuyên gia dự báo và thực tế cho thấy, mực nước từ thượng nguồn đổ về các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, đặc biệt là tỉnh Đồng Tháp có nhiều hơn cùng kỳ năm trước.
Thế nhưng, trên thực tế lượng thủy sản tự nhiên lại vô cùng ít. Tại cánh đồng xã Thường Thới Hậu B (huyện Hồng Ngự), nhiều ngư dân ven lưới cả 500m để đặt 1-2 miệng đú (dụng cụ đón cá theo đường đi của lưới ven để chui vào như hình thức của rọ cá, nhưng quy mô lớn hơn) nhưng mỗi ngày chỉ bắt được 1-2kg cá, phần lớn chỉ đủ ăn trong gia đình.
Thậm chí ngay cả giới đánh bắt cá mùa nước nổi với quy mô lớn trên sông Sở Thượng chảy thẳng từ bên kia biên giới sang miệt Hồng Ngự - nơi được xem là rốn cá của vùng Đồng Tháp Mười – cũng rơi vào tỉnh cảnh bặt tăm tôm cá khi nhiều chủ đáy (phương tiện dùng lưới giăng giữa các tuyến sông để ven cá vào rọ với quy mô lớn, có thể thu vào hàng tấn cá/lần) đã chấp nhận “bó lưới”, tức dùng dây cột toàn bộ lưới ven cá lại, tạm ngưng hoạt động chờ cơ hội cá xuất hiện trở lại mới đánh bắt, để tránh lỗ thêm tiền chi phí nhân công.
Nhiều miệng đáy (phương tiện ngư cụ đánh bắt cá đặc thù của người dân Nam bộ, với quy mô lớn) không kiếm được 1 con cá.
Nhưng dù loại hình đánh bắt nào, ngư dân cũng đối mặt với sự thất bát.
Không chỉ có loại ngư cụ quy mô nhỏ, mà ngay cả loại hình đánh bắt cá quy mô lớn như đặt đáy trên sông có quy mô đấu thầu vị trí lên đến hàng trăm triệu đồng/năm, cũng chung số phận.
Ông Lê Văn Huy - Trưởng ấp Bình Hòa Thượng (Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự) xác nhận miện đáy của ông Nguyễn Văn Kiệt trúng thầu vị trí trên sông Sở Thượng đã ngưng hoạt động từ nhiều ngày nay vì không có cá.
Vị trí đặt lưới của miệng đáy không một bóng người.
Khu vực thu hoạch cá lại rất khô ráo và im lặng như chưa hề có hoạt động thu hoạch cá diễn ra. Chỉ còn mỗi người thợ duy nhất bám trụ để giữ gìn tài sản.
Xuồng đánh bắt cá của người dân vùng đầu nguồn huyện Hồng Ngự cũng chưa được ngư dân cho xuất bến để đánh bắt cá.