Cổ tích có thật
Đó là tâm sự của ngư dân Dương Thành Vinh (thôn Tây, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) khi bất ngờ nhận 500 triệu đồng từ Quỹ TLVLĐ cuối năm 2012. Anh Vinh trở thành con nợ 700 triệu đồng sau lần lượt 2 con tàu có vốn của anh bị tàu Trung Quốc tịch thu năm 2009. Cả nhà không còn một đồng vốn. Con gái cả phải bỏ học cấp 3 để đi làm thuê, anh Vinh xin làm thuyền viên cho các tàu cá khác. Đang lúc sự chán nản đến cùng cực, anh Vinh nhận được sự trợ giúp của Quỹ TLVLĐ.
Ngay lập tức: Hơn 400 triệu đồng được trả các chủ nợ, còn dư vài chục triệu đồng, anh góp cổ phần với chủ tàu cá QNg 96119 TS để có vốn sinh kế. Từ đầu năm 2013 tới nay, anh Vinh đã cùng chiếc tàu cá này 3 lần ra khơi. Mỗi lần đi biển anh chỉ được chia từ 6-8 triệu đồng. Dù chưa nhiều nhưng anh Vinh có niềm tin bám biển, kiếm sống để trả nợ tiếp và làm giàu. Nụ cười rạng rỡ đã trở lại trên khuôn mặt sạm nắng gió biển của ngư dân 41 tuổi này. Hôm qua (19.5), anh Vinh vừa tổ chức đám cưới cho con gái cả. Anh Vinh xúc động nói qua điện thoại: “Thật tiếc vì đường sá cách trở chứ một trong những khách mời được bố con tôi mong chờ nhất trong ngày vui này chính là Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động đó anh...”.
Tạo động lực
Từng cảnh đời của ngư dân trên dải đất nắng gió miền Trung đều là những câu chuyện xúc động. Món quà nhân văn và thiết thực của tổ chức công đoàn đã giúp ngư dân yên tâm bám biển: Ngư dân Nguyễn Tấn Thiện (chủ tàu cá BĐ 91287 TS, TP.Quy Nhơn, Bình Định) đã dùng 150 triệu đồng tiền hỗ trợ để đầu tư lại bộ lưới trị giá 400 triệu đồng bị hỏng khi đánh bắt tại đảo Nam Yết (Trường Sa); cha con ngư dân Phạm Thành Đắc (tàu cá PY 96077 TS, TP.Tuy Hòa, Phú Yên) sử dụng 200 triệu đồng hỗ trợ để trang trải một phần việc mua tàu cá mới. Số tiền càng có ý nghĩa hơn khi cha con người ngư dân này đang túng quẫn vì chưa nhận được tiền bồi thường bảo hiểm sau vụ chìm tàu năm 2012; ngư dân Đặng Văn Pháp và Khổng Văn Hải (TP.Nha Trang, Khánh Hòa) cùng nhau góp 300 triệu đồng hỗ trợ mua tàu cá mới số hiệu KH 94555 TS tiếp tục ra khơi...
Những câu chuyện chỉ là ví dụ nhỏ trong số hơn 70 gia đình ngư dân có tàu bị chìm, hư hỏng thiết bị tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa được nhận hỗ trợ hơn 8 tỉ đồng dịp cuối năm 2012. Nói như lời chị Phạm Thị Liễu (vợ của ngư dân Lê Văn Tiện - nhận 200 triệu đồng hỗ trợ tàu cá chìm tại ngư trường Trường Sa), sự trợ giúp chỉ có từ trên trời rơi xuống! “Chưa bao giờ chúng tôi nghĩ rằng sẽ có sự trợ giúp ân tình này. Nếu không có món tiền này thì chưa biết cuộc sống của gia đình ngư dân nghèo sẽ ra sao”.
Nhiều sự chờ đợi
Ông Nguyễn Quốc Chinh - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải (huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) - tâm sự: Ngư dân gắn bó với ngư trường như nương rẫy của bà con nhà nông trên đất liền. Trước sự hung dữ của bão tố thiên tai và sự đe dọa của tàu thuyền nước ngoài, sự trợ giúp của Quỹ TLVLĐ thực sự quý giá, giúp ngư dân thêm yên tâm, xóa đói giảm nghèo và vững tin khi ra khơi”.
Ông Chinh đề xuất thêm việc bổ sung bộ thiết bị chạm bờ cho nghiệp đoàn nghề cá, từng bước trang bị thiết bị liên lạc Icom đời mới cho các tàu cá thuộc nghiệp đoàn. Ông Lê Khuân - Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Vĩnh (Lý Sơn, Quảng Ngãi) - góp ý Quỹ TLVLĐ nên hỗ trợ thêm nhiều thẻ bảo hiểm thân thể cho ngư dân, hạ mức xét hỗ trợ mua bảo hiểm thân tàu cho ngư dân từ trên 250CV xuống 150CV.
Theo ông Huỳnh Thanh Xuân, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Định, Quỹ TLVLĐ nên hỗ trợ ngư dân một khoản kinh phí làm vốn góp cổ phần với các chủ tàu. “Khoản tiền có thể chỉ từ 2-3 chục triệu đồng/ngư dân nhưng sẽ giúp họ gắn bó hơn với con tàu, yên tâm ra khơi bám biển”. Ngư dân Lê Văn Huỳnh Em (TP.Nha Trang, Khánh Hòa) đề xuất chính sách tín dụng đặc biệt nhằm hỗ trợ ngư dân đóng tàu công suất lớn đủ điều kiện đánh bắt xa bờ dài ngày, hỗ trợ mua ngư lưới cụ và tập huấn kỹ năng đánh bắt xa bờ.