Ngư dân bỏ biển
Hơn hai tháng nay, tàu cá công suất 800 CV hành nghề mành chụp của ông Lê Văn Nở, phường Hưng Long, TP Phan Thiết phải nằm bờ, không thể đi biển. Trao đổi với phóng viên, ông cho biết, nguyên nhân là do không có “bạn” đi biển. Một tàu cá sản xuất cần đến 15 người đi “bạn”, nhưng mấy chuyến gần đây, tìm mãi chỉ được có 10 lao động. Mọi sinh hoạt trên tàu phải sắp xếp lại, các thuyền viên phải gánh vác thêm nhiều công việc. Đợt trước, trước khi đi biển, ông ứng cho một số lao động từ 6 đến 10 triệu đồng/người. Chuyến đó về, thu nhập không có, họ giữ luôn số tiền ứng, không thu lại được. Có uy tín và kinh nghiệm trong nghề biển, rồi lại nhờ anh em, bạn bè tìm người lao động nhưng ông Nở vẫn phải để tàu nằm bờ. Hay như trường hợp của ông Trần Văn Tin, ở phường Hưng Long cũng đã phải bán tàu do tàu nằm bờ mãi, không có tiền trả nợ.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên Nguyễn Tri Phương, hiện 1.200 phương tiện hành nghề khai thác, đánh bắt xa bờ của địa phương cần 8.500 lao động. Thế nhưng, các tàu cá luôn thiếu lao động, nhất là đối tượng lao động có khả năng điều khiển các trang, thiết bị trên tàu cá. Lúc cao điểm khai thác cá ngừ đại dương, các chủ tàu cá tìm không ra người đi biển.
Nguyên nhân của tình trạng này là do trước đây, đào tạo lao động biển chủ yếu theo kiểu cha truyền, con nối, người đi trước truyền kinh nghiệm cho người đi sau, xem việc kế tục nghề nghiệp như là sự mặc định, không thay đổi. Ngày nay, nhiều người trong lớp trẻ không muốn làm nghề biển nữa, do lao động trên biển quá vất vả, thu nhập thiếu ổn định. Nhiều gia đình ngư dân sau thời gian bám biển có “của ăn của để” cố gắng đầu tư cho con em học hành để thoát ly, không theo nghề biển. Vì vậy, nguồn nhân lực chính được “đào tạo”, “tuyển dụng” đi biển theo cách truyền thống lâu nay không còn nhiều nữa. Thay vào đó là những lao động mang tính thời vụ, không ổn định. Thậm chí cả những người là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo cũng không có. Hiếm lao động đến mức, nhiều phương tiện phải “liều mình” thu nhận cả người không biết... bơi để đi khai thác biển khơi!
Tổ trưởng Tổ hợp tác Nghề cá Phước Đồng (TP Nha Trang) Trần Văn Đạt cho biết, quan hệ giữa “chủ” và “bạn” đang rất bấp bênh, do giữa chủ tàu và bạn thuyền hầu hết không có hợp đồng lao động, ràng buộc trách nhiệm, quyền lợi của mỗi bên. Vì vậy, nhiều ngư dân không còn tha thiết với nghề đi biển.
Anh Nguyễn Hòa Cường, một ngư dân Nam Ô, ở TP Đà Nẵng cho biết, nhân công nghề biển đi chuyến nào hưởng chuyến đó. Cũng không có bảo hiểm xã hội. Trong khi mỗi chuyến vươn khơi kéo dài ba tháng, thậm chí sáu tháng, điều kiện làm việc rất khó khăn và có thể hứng chịu nhiều rủi ro. Đơn cử như những bệnh lý phát sinh trên biển như đau ruột thừa, sốc phản vệ... hoàn toàn có khả năng đe dọa tính mạng ngư dân. Vì vậy, bỏ nghề đi biển, chuyển lên bờ đi làm công nhân, lái xe, bảo vệ, mở nhà hàng ăn uống nhỏ, hùn hạp vốn liếng mở ki-ốt bán buôn hải sản... đã và đang là một xu hướng trong cộng đồng cư dân các làng chài ở TP Đà Nẵng. Anh Phan Ngọc Vương, thôn Thủy Triều, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa là một thí dụ. Trước đây, đánh bắt thủy sản gần bờ, tháng nào thuận lắm thì thu nhập khoảng năm triệu đồng, mùa biển động gần như không có thu nhập. Được nhận vào làm bảo quản, duy trì hồ bơi tại khu nghỉ dưỡng Mia Resort, anh có mức lương ổn định bảy triệu đồng/tháng.
Lao động không có nghề
Chất lượng nguồn lao động biển đang là vấn đề rất đáng suy nghĩ. Lao động biển hiện nay có trình độ văn hóa thấp hơn so với lao động ở các ngành nghề khác. So với đánh bắt gần bờ, đánh bắt xa bờ đòi hỏi lao động phải có trình độ và kiến thức nhất định về nghiệp vụ để sử dụng và khai thác có hiệu quả các trang, thiết bị máy móc phục vụ hoạt động đánh bắt.
Những năm qua, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho nghề biển được các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm, thông qua các chương trình như chương trình đào tạo nghề nông thôn, bồi dưỡng chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên; tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm trên biển, hướng dẫn thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới… Tuy nhiên, số lượng người đi biển tham gia vẫn chưa đáp ứng quy mô, nhu cầu phát triển nghề cá hiện đại. Cụ thể, đến nay tỉnh Bình Định chỉ mới thực hiện phối hợp bồi dưỡng chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên cho khoảng 4.000 người, tập huấn nghề cho khoảng 3.000 người đi biển. Việc đào tạo nhân lực đi biển gặp nhiều khó khăn do hầu hết ngư dân có trình độ thấp, thường xuyên đi biển nên rất khó tập trung; ngư dân đánh bắt chủ yếu dựa vào kinh nghiệm mà chưa quan tâm học tập nâng cao kiến thức để áp dụng vào sản xuất hiệu quả hơn.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận Huỳnh Quang Huy cho biết, đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng chủ yếu được đào tạo theo hình thức tập huấn ngắn ngày là chính, cho nên thiếu kiến thức cơ bản để có thể sử dụng các thiết bị hiện đại; thiếu kiến thức về luật hàng hải để có thể hoạt động khai thác ở những vùng biển quốc tế.
Hiện, tỉnh Bình Thuận chỉ có duy nhất một chủ tàu có trình độ đại học chuyên ngành khai thác thủy sản. Đó là ông Lê Văn Nở, phường Hưng Long, TP Phan Thiết, chủ của ba tàu cá hành nghề vây rút chì chuyên đánh bắt ở vùng biển Trường Sa và nhà giàn DK. Cách thức tổ chức sản xuất trên biển, khả năng ứng dụng kiến thức vào thực tiễn cùng với kinh nghiệm đã giúp đội tàu của ông hoạt động rất hiệu quả. Mỗi năm, ông thu lợi nhuận hơn 10 tỷ đồng. Trong gần 3.800 lao động làm việc tại các doanh nghiệp chế biến thủy sản, số lao động có trình độ chuyên môn đại học, cao đẳng và trung cấp chỉ chiếm 11,9%, còn lại là lao động phổ thông.
Tình trạng người lao động chưa được đào tạo bài bản dẫn đến hạn chế về năng lực sản xuất diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương có biển. Kết quả khảo sát gần đây cho thấy, không ít nhà máy, cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản có hơn 60% số lao động thiếu chuyên môn kỹ thuật. Riêng các cơ sở chế biến thuộc khối dân doanh của các ngành chế biến thủy sản tỉnh Khánh Hòa có đến khoảng 80% số lao động không được đào tạo, mà chỉ học các lớp bồi dưỡng ngắn ngày do các cơ sở đào tạo hoặc doanh nghiệp tự tổ chức. Về phía người sử dụng lao động, gần một nửa số chủ cơ sở chế biến thủy sản thiếu chuyên môn kỹ thuật; hơn một nửa có hiểu biết chưa đầy đủ về pháp luật liên quan tới ngành.
Nhu cầu lao động lớn, nguồn lực không đáp ứng được, cho nên nhiều công ty, doanh nghiệp chế biến thủy sản phải tự tổ chức đào tạo. Song đây là quá trình đầy gian khó và nhiều bất cập. Phó Giám đốc Công ty TNHH thủy sản Đắc Lộc ( Phú Yên) Lê Hữu Tình cho biết, công ty thực hiện mô hình sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao, đã được Tổ chức Bureau Veritas (Pháp) cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP từ năm 2013 cho nên phải sử dụng nguồn lao động có chất lượng, tâm huyết với nghề. “Từ thực tế của công ty, tôi nhận thấy tại tỉnh Phú Yên, nhu cầu lao động có trình độ chuyên môn cao là rất lớn nhưng nguồn nhân lực lại không đáp ứng được. Chính vì thế, hằng năm tôi phải tự tổ chức đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động. Bởi vì công ty chuyên xuất khẩu hàng sang châu Âu, Nhật Bản và Mỹ, mà vấn đề vệ sinh lao động, tiêu chuẩn HACCP là yếu tố đặc biệt quan trọng. Chúng tôi đề nghị Nhà nước cần có quyết sách mới, có chiến lược để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành thủy sản lâu dài…’’, ông Tình bộc bạch.
Vậy đâu là nguyên nhân thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực phục vụ ngành thủy sản, trong đó có cả nguồn nhân lực chất lượng cao?