Thiếu giống, thiếu lao động
Những năm gần đây diện tích tôm càng xanh trên địa bàn huyện Thới Bình tiếp tục tăng nhanh. Nếu như năm 2016 toàn huyện chỉ có khoảng 8 ngàn héc-ta thì sang năm 2017 đã tăng lên trên 12 ngàn héc-ta, năm 2018 diện tích người dân thả nuôi hơn 18 ngàn héc-ta. Không dừng lại ở đó, theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thới Bình Nguyễn Hoàng Lâm, diện tích này sẽ tiếp tục tăng trong vụ nuôi 2019 tới đây, đạt khoảng 19-20 ngàn héc-ta.
Diện tích cứ tăng nhanh và liên tục qua từng vụ nuôi kéo theo nhiều khó khăn. Một khó khăn dễ dàng nhận thấy nhất trong suốt thời gian qua là phương pháp thu hoạch tôm chưa khoa học. Hầu hết người nuôi tôm càng xanh chỉ có một giải pháp thu hoạch chính là sục bùn làm tôm thiếu ô xy nổi đầu để thu hoạch.
Phương pháp thu hoạch này không chỉ làm giảm chất lượng tôm do bị nhiễm tạp lẫn sình bùn mà mất khá nhiều thời gian và nhân công. Là một trong những hộ khá thành công và đã thực hiện nhiều vụ nuôi tôm cành xanh, ông Dương Thanh Tòng, ấp Quyền Thiện, xã Biển Bạch Đông, cho biết, 1 ha nuôi tôm càng xanh khi thu hoạch cần từ 5-7 lao động, từ 5-6 giờ mới hoàn thành. Đặc biệt, hiện nay nguồn lao động ở nông thôn vô cùng thiếu, đôi khi có tiền cũng không mướn được.
“Để có đủ lao động thu hoạch 2,8 ha tôm càng xanh trong vụ nuôi năm 2018, gia đình phải huy động anh em bà con tận tỉnh Bạc Liêu về giúp. Việc huy động người thân thu hoạch tôm càng xanh là giải pháp được nhiều người áp dụng do thuê không có lao động”, ông Tòng chia sẻ.
Việc đảm bảo cung cấp giống tôm càng xanh toàn đực cho bà con cũng đang là khó khăn lớn hiện nay. Qua tìm hiểu được biết, nguồn giống tôm càng xanh toàn đực chủ yếu được cung cấp từ Trung tâm Giống thuỷ sản tỉnh An Giang và Viện Nghiên cứu thuỷ sản II (chủ yếu là Phân viện Thuỷ sản Nam Sông Hậu - Trại Giống thuỷ sản Bạc Liêu). Giá giống khoảng 400-450 đồng/con và thường bị thiếu hụt khi vào cao điểm. Theo tính toán sơ bộ, trong vòng 2 tháng (tháng 6 và 7), riêng trên địa bàn huyện Thới Bình phải cần đến 19-20 triệu con giống.
Ngoài ra, do hoạt động nuôi diễn ra đồng loạt vào những tháng mùa mưa nên khi thu hoạch cũng đồng loạt, có ngày cả mấy trăm tấn nên việc "dội" hàng là điều khó tránh khỏi. Anh Trần Mạnh Toàn, một thương lái đến từ tỉnh Bạc Liêu, cho biết, sản phẩm tôm càng xanh được chia thành 2 dạng. Loại ướp đá sẽ đưa về các đầu mối tại TP Hồ Chí Minh, một phần được xuất sang Campuchia, Trung Quốc, còn lại tiêu thụ nội địa. Riêng sản phẩm tôm ô xy phần lớn được tiêu thụ tại các nhà hàng, chợ nông sản các tỉnh trong nước, nhưng tập trung nhiều tại Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh và một số thành phố du lịch khu vực miền Trung.
Làm tốt từ khâu chuẩn bị ao đầm
Có thể thấy, hiện nay thị trường tiêu thụ sản phẩm tôm càng xanh rất đa dạng nhưng chưa có sự quản lý chặt chẽ. Việc tiêu thụ thực tế phụ thuộc rất nhiều vào các điểm, cơ sở thu mua đầu mối và các thương lái thu gom.
Để giải quyết khó khăn trên, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau Châu Công Bằng cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị hướng dẫn người dân thực hiện tốt công tác chuẩn bị ao, đầm nuôi. Khi ao đầm nuôi được chuẩn bị tốt sẽ chủ động phương pháp thu hoạch, là cơ sở hướng tới thị trường tiêu thụ tôm ô xy. Đồng thời, tổ chức liên kết các hộ nuôi thu hoạch đồng loạt để có sản lượng lớn, khi đó ký kết hợp đồng tiêu thụ sẽ dễ dàng và giá trị kinh tế đạt cao hơn.
Việc thu hoạch bằng phương pháp sục bùn như đã qua khiến chất lượng tôm giảm, từ đó giá thành không cao.
Để thu hoạch tôm càng xanh tiện lợi và hiệu quả, Sở NN&PTNT đưa ra khuyến cáo, khi thiết kế ao, đầm nuôi, dưới lòng kênh đào một hố sâu hơn mặt đáy kênh khoảng 0,5-0,7 m, chiều dài khoảng 3 m, tuỳ theo chiều dài kênh mà bố trí một hay nhiều hố cho phù hợp. Đến khi thu hoạch sẽ bố trí hệ thống lưới gạn tôm dưới hố này, sau đó cho rút nước cạn dần tôm sẽ dồn về phía hố và cất lưới thu hoạch. Qua thực tế, phương pháp này thu hoạch hết lượng tôm có trong vuông từ 80-90% trở lên và khá nhanh, giảm chi phí nhân công, chủ động thời gian thu hoạch, chất lượng sản phẩm tôm sạch hơn...
Riêng về nguồn con giống, ông Bằng cho biết thêm, sở đã triển khai chỉ đạo Trung tâm Giống nông nghiệp làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị cung ứng giống, phòng NN&PTNT các huyện xây dựng kế hoạch sản xuất, cung ứng giống tôm càng xanh cho người nuôi trong tỉnh để giảm bớt tình trạng người dân mua giống trôi nổi trên thị trường.
Tin rằng những giải pháp này sẽ góp phần đưa con tôm càng xanh không riêng của huyện Thới Bình mà toàn tỉnh mở rộng thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.