Việc di ương tôm giống từ các tỉnh khác về đang gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm dịch. Hiện nay, toàn huyện Hậu Lộc mới chỉ kiểm dịch được khoảng 50% tổng số tôm giống di ương về.
Hầu hết các hộ nuôi tôm đều biết giống tôm kém chất lượng sẽ ẩn chứa nhiều mầm bệnh, khi điều kiện thời tiết thích hợp mầm bệnh sẽ bùng phát, khiến tôm chết hàng loạt và rất khó ngăn chặn. Thế nhưng, do nhu cầu về con giống nuôi thả lớn, lại không chủ động được nguồn, nên phải nhập từ Nghệ An, Ninh Thuận và Bến Tre về, không biết trước chất lượng thế nào. Mặt khác, do cán bộ chuyên môn thiếu, các chốt kiểm dịch hoạt động kém hiệu quả, nên công tác quản lý, kiểm dịch tôm giống gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Hậu Lộc cho biết: Hầu hết tôm nuôi nhập từ các tỉnh khác về, phải đi qua đường hàng không và các lô tôm đều bị xé lẻ. Nếu để nguyên lô sẽ kiểm dịch rất dễ nhưng xé lẻ sẽ không thể biết được. Huyện cũng đã có các chốt kiểm dịch trên địa bàn thế nhưng để kiểm soát hết được là điều hết sức khó khăn.
Toàn huyện Hậu Lộc hiện có gần 500 ha nuôi tôm, tuy nhiên hiện tại mới có 120 ha nuôi tôm công nghiệp theo hướng Vietgap, còn lại đều nuôi quảng canh theo kinh nghiệm truyền thống. Nhiều nơi, còn tổ chức nuôi xen canh với cua, cá. Trên thực tế, các hộ dân vẫn chưa coi trọng nguồn gốc con giống. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trong mua, bán giống tôm kém chất lượng lại chưa có chế tài cụ thể.
Hiện công việc này chỉ mới dừng lại ở kiểm tra lô tôm giống có đúng kích cỡ và đồng đều như công bố hay không, môi trường nước trong bịch tôm có bị chênh lệch lớn về nhiệt độ hoặc độ mặn không… chứ chưa thực hiện được việc xét nghiệm bệnh trên tôm. Vì vậy, trong khi nguồn tôm giống sản xuất trong tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường hướng dẫn, đôn đốc các hộ dân hợp đồng với các đơn vị cung ứng có uy tín và thận trọng hơn trong lựa chọn giống đảm bảo sạch bệnh.