Thuyền đầy sau mỗi chuyến ra khơi
Gặp chúng tôi khi vừa trở về sau chuyến đi biển, ngư dân Phạm Ngọc Thành - chủ tàu cá QB 91006-TS, công suất 200CV - vui mừng cho biết, từ khi áp dụng cách đánh bắt mới bằng lưới rê xù đến nay, sau 12 chuyến đi biển đã thu về trên 14 tấn thủy sản, trong đó cá có giá trị cao là trên 7 tấn, thu được gần 540 triệu đồng, hiệu quả kinh tế cao.
Còn ngư dân Đào Xuân Toại - chủ tàu cá QB-91333-TS, công suất 150CV - đã thu được hơn 766 triệu đồng với gần 16.000kg sản phẩm, trung bình thu lãi gần 5 triệu đồng/thuyền viên sau mỗi chuyến ra khơi nhờ áp dụng mô hình lưới rê thu, ngừ. “Có được kết quả như vậy là nhờ sự hỗ trợ về mặt kinh phí và kỹ thuật từ Nhà nước, từ khi chuyển đổi sang mô hình này, chỉ trong một thời gian ngắn nhưng sản lượng đánh bắt hải sản đã tăng hơn 50% so với trước kia” - ngư dân Nguyễn Ngọc Cảnh (trú xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch, chủ tàu cá QB-93900, công suất 270CV) tâm sự khi nói về việc áp dụng mô hình lưới vây rút chì.
Nhân rộng mô hình mới
Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Bình, mô hình khai thác thủy sản trên khi áp dụng hơn hẳn phương pháp truyền thống, không chỉ có thể khai thác vào những đêm tối trời hoặc trăng sáng, mà còn có thể khai thác khi gió lớn vì lưới không bị xoắn như các lưới khác và bắt được nhiều loài cá có giá trị cao hơn, phù hợp với chủ trương về chuyển dịch cơ cấu sản xuất hàng hóa có giá trị, ngư dân khi áp dụng đã nâng cao mức thu nhập gấp 3 lần so với bình thường...
Ngư dân Hoàng Quang Hiếu tâm sự: “Gần đây, nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng cạn kiệt. Khai thác xa bờ thì chi phí cao nên đòi hỏi sản phẩm khai thác phải có giá trị. Việc chuyển đổi theo hướng trên đã giúp ngư dân như tôi yên tâm, tự tin hơn mỗi khi ra biển, tôi sẽ cùng anh em ngư dân nhân rộng mô hình trong thời gian tới...”.