Trong năm 2015, người nuôi tôm đã phải đối mặt với khó khăn kép, do thời tiết biến đổi thất thường và giá cả thị trường tiêu thụ giảm sút, cùng với đó, sự biến động giảm giá mạnh đồng nội tệ của các nước đối thủ cạnh tranh chính với thủy sản Việt Nam như đồng Rupiah của Indonesia giảm 42%, đồng Ringgit của Malaysia giảm 33%... so với USD khiến cho thủy sản Việt Nam khó cạnh tranh trên thị trường thế giới. Ngày 3/8/2015, Công báo Liên Bang Mỹ đưa ra danh sách các loài có nguy cơ bao gồm tôm, cá ngừ, cá kiếm... nằm trong Chương trình truy xuất nguồn gốc, chương trình đã áp đặt các rào cản đáng kể đối với sản phẩm thủy sản và thương mại thủy sản nhập khẩu vào Mỹ đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của các mặt hàng thủy sản của Việt Nam. Cùng với đó trong năm qua, hiện tượng El-nino, điều kiện thời tiết diễn biến cực đoan, xâm nhập mặn vào sâu trong nội địa, nắng nóng làm độ mặn, nhiệt độ...biến động mạnh. Công tác quản lý chất lượng giống tôm nước lợ gặp khó khăn, tình trạng thu gom tôm giống không rõ nguồn gốc cung cấp cho người nuôi vẫn còn diễn ra tại nhiều địa phương, nhiều cơ sở sản xuất chưa tuân thủ các quy địnhvề sử dụng bao bì, nhãn mác, một số cơ sở sản xuất sử dụng nhiều “thương hiệu” thay đổi tên liên tục dẫn đến người nuôi không phân biệt được chất lượng giống và gây khó khăn cho cơ quan quản lý. Tình trạng phát triển nuôi tôm tự phát ngoài quy hoạch, các sản phẩm sản xuất chế biến sâu còn hạn chế, chưa nâng cao được giá trị gia tăng của mặt hàng tôm trong xuất khẩu. Phát triển khoa học công nghệ vẫn chậm, thiếu đồng bộ trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong các vấn đề về giống tôm sạch bệnh, chất lượng giống bố mẹ, giống hậu bị, nghiên cứu dinh dưỡng, sản xuất thức ăn, nghiên cứu bệnh, thuốc kháng sinh, các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Nguyên liệu sản xuất thuốc, thức ăn phụ thuộc nhập khẩu, khó kiểm soát giá cả, chất lượng thức ăn là nguyên nhân chính tác động đến hiệu quả kinh tế của người nuôi. Hạ tầng thủy lợi chưa hoàn thiện, hệ thống kênh cấp, kênh thoát chưa đáp ứng nhu cầu nên gây khó khăn cho công tác sản xuất và kiểm soát dịch bệnh.
Năm 2015, tôm là sản phẩm xuất khẩu (XK) giảm mạnh nhất với 25%, ước chưa đạt 3 tỷ USD, đặc biệt tại thị trường Mỹ giảm đến 30% và Nhật Bản giảm 21%... ; năm 2016, XK tôm sẽ vẫn bị ảnh hưởng bởi làn sóng giảm giá và áp lực cạnh tranh, xuất khẩu tôm sang các thị trường chính đều có xu hướng giảm đáng kể, nhưng trong năm 2016, xuất khẩu tôm vào các thị trường này cũng như các thị trường chính dự báo sẽ khả quan hơn bởi được hưởng lợi từ các thương mại đã được ký kết như: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các hiệp định thương mại tự do (FTA) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) mang lại.
Kế hoạch đặt ra cho năm 2016 trong sản xuất tôm nước lợ, đối với tôm sú duy trì ổn định diện tích ở mức 600 nghìn ha (tăng 1% so với năm 2015) và sản lượng đạt 280 nghìn tấn tăng (4,4% so với năm 2015), phát huy lợi thế nuôi tôm sú tại các vùng sinh thái đặc trưng thích hợp: tôm-rừng ngập mặn, tôm-lúa ở Duyên hải Nam bộ nhằm giữ lợi thế cạnh tranh và thị trường xuất khẩu tôm sú trên thế giới. Tôm chân trắng tiếp tục phát triển nuôi ở các vùng có lợi thế/kiểm soát tốt dịch bệnh nhằm gia tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu. Trong đó, tập trung nuôi tôm thẻ chân trắng ở các tỉnh ven biển Bắc bộ và miền Trung, các vùng nuôi thâm canh ở Nam bộ. Năm 2016, phấn đấu đạt 95 nghìn ha thả nuôi trên cả nước và sản lượng 400 nghìn tấn. Đối với nguồn cung giống đảm bảo cung cấp 100% nhu cầu con giống (khoảng 80 đến 10 tỷ tôm giống), trong đó 80% là giống giống tôm là giống sạch bệnh đáp ứng nhu cầu nuôi tôm của cả nước.
Để khắc phục những tồn tại và khó khăn và thực hiện thắng lợi mục tiêu kế hoạch đề ra trong lĩnh vực nuôi trồng sản xuất tôm nước lợ, bước sang năm 2016, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản và các địa phương đã tích cực, chỉ đạo phối hợp với các ngành, các cấp về mặt quản lý chặt chẽ, tạo điều kiện tối đa cho người nuôi phát triển sản xuất. Tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình thả nuôi tôm nước lợ của từng địa phương, phát hiện nhanh tình hình dịch bệnh, xử lý kịp thời khống chế không để dịch bệnh phát tán trên diện rộng đặc biệt là nuôi thâm canh và bán thâm canh tôm chân trắng, đảm bảo không phá vỡ quy hoạch. Tập trung chỉ đạo khắc phục khó khăn phòng chống dịch bệnh tranh thủ thời cơ giá tôm đang lên thu hoạch tôm cũ và bổ sung tôm mới. Tăng cường công tác quản lý vật tư đầu vào bao gồm chất lượng giống, thức ăn, chế phẩm sinh học và chất xử lý cải tạo môi trường. Phổ biến quy trình kỹ thuật mô hình nuôi tôm VietGAP hạn chế dịch bệnh, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh. Tập trung chỉ đạo công tác quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh có hiệu quả trong nuôi tôm và nuôi trồng thuỷ sản. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo để phát triển nuôi trồng sản xuất. Tạo ra liên kết chuỗi trong nuôi trồng sản xuất chế biên và tiêu thụ, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong sản xuất chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trên thị trường thế giới.