Cá bị tồn đọng vì nuôi cùng một loại giống
Năm 2011, nhiều người dân Bát Xát đưa cá rô phi đơn tính vào ao nuôi. Cá rô phi đơn tính có ưu điểm cho hiệu quả kinh tế cao, công chăm sóc lại đơn giản, ít mắc bệnh, thời gian nuôi từ 5 - 6 tháng đã cho thu hoạch, giá bán 50.000 - 60.000 đồng/kg, mỗi vụ cho thu từ 100 - 120 triệu đồng/ha. Năm 2012, người dân mở rộng diện tích nuôi cá rô phi đơn tính lên 160 ha, chiếm 60% diện tích nuôi thủy sản của toàn huyện. Vào vụ thu hoạch cá năm 2012, nguồn tiêu thụ cá bị chững lại, giá bán cá cũng giảm theo. Cũng từ năm 2012 đến nay, giá cá rô phi đơn tính tại Bát Xát luôn bấp bênh, dao động từ 20.000 - 37.000 đồng/kg.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát, năm 2012, sản lượng cá toàn huyện đạt 560 tấn, nhưng gần 400 tấn cá rô phi đơn tính không bán được, trong đó khu vực bị tồn nhiều nhất là xã Quang Kim, Bản Qua, Cốc San.
Vụ cá năm 2012, xã Quang Kim có trên 90 tấn cá rô phi đơn tính không bán được, bị tồn sang năm 2013. Ông Vàng Văn Phủ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quang Kim cho biết: Năm 2012, cá không bán được, người dân phải nuôi thêm một thời gian dài (tương đương với thời gian nuôi gần hai vụ cá). Chỉ đến tháng 6/2013, toàn bộ số cá tồn may mắn đã xuất bán được, thu hồi vốn đầu tư. Gia đình ông Nguyễn Văn Lộc, thôn Làng Kim, xã Quang Kim - là một trong những hộ nuôi cá quy mô lớn trong xã, ông Lộc cho biết: Năm 2011, thấy nguồn lợi từ cá rô phi đơn tính, gia đình mua 1 vạn con cá giống về nuôi, sau thu hoạch, gia đình đã thu về hơn 90 triệu đồng. Số tiền thu được, gia đình đầu tư xây kè ao nuôi cá. Vụ thu hoạch năm 2012, nhiều gia đình nuôi cá trong xã đồng loạt bán ra thị trường, với sản lượng cá rô phi đơn tính lớn, vì thế người nuôi gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, nên gia đình tồn đọng gần 10 tấn cá. Cá không bán được, nếu cho ăn nhiều thì bị lỗ, mà giá thức ăn cho cá thì tăng cao. Anh Nguyễn Văn Liềng, thôn Làng Kim, xã Quang Kim, thì may mắn hơn, bởi gia đình anh Liềng mỗi năm chỉ nuôi 3.000 - 5.000 cá rô phi đơn tính, nên chỉ bị tồn trong thời gian ngắn. Anh Liềng cho biết: Rút kinh nghiệm, năm 2013, gia đình thả 5.000 cá giống, nhưng sẽ thu cá sớm hơn và chỉ để lại khoảng 3.000 con, vì nỗi lo tiếp diễn cảnh không bán được.
Đi tìm đầu ra cho người nuôi cá
Diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn huyện Bát Xát những năm gần đây đã không ngừng tăng lên. Chỉ tính riêng năm 2012, toàn huyện có thêm 14 ha chuyển đổi từ đất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi cá, nâng tổng diện tích nuôi thủy sản toàn huyện lên 267,9 ha, trong đó, diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh có 150 ha. Nhưng, điều đáng lo ngại, đó là nguồn tiêu thụ và đầu mối tiêu thụ hiện nay không ổn định. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát: Việc tiêu thụ thủy sản trên địa bàn huyện thời gian qua chủ yếu là do một số tiểu thương tự đứng ra mua và mang đi tiêu thụ tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Vì vậy, khi sản lượng cá tăng cao lại nuôi cùng một chủng loại, thu hoạch trùng thời điểm thì việc tồn đọng cá là điều không thể tránh khỏi. Đây cũng là lý do, thời gian qua, người dân nuôi cá ở Bát Xát, khi vào mùa thu hoạch bị tư thương ép giá.
Để đảm bảo cho nghề nuôi thủy sản trên địa bàn được phát triển ổn định, mang lại nguồn thu nhập, thì người nuôi cá cũng cần có định hướng rõ ràng, tránh tình trạng chạy theo lợi nhuận mà nuôi quá nhiều một loại giống cá, cùng thời điểm như thời gian qua. Hiện nay, tại Bát Xát đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào nuôi thủy sản và có thị trường tiêu thụ lớn, nhưng cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa người nuôi thủy sản với doanh nghiệp trong khâu sản xuất và tiêu thụ, có như vậy, vùng nuôi thủy sản mới phát triển ổn định, mang lại hiệu quả lâu dài.