Đây là căn bệnh nguy hiểm trên tôm, chưa có thuốc chữa trị hiệu quả; những vụ nuôi năm trước bệnh này hầu như chưa xuất hiện tại Nghệ An.
Tại các vùng nuôi tôm trong tỉnh Nghệ An đang xuất hiện tôm chết với chiều hướng ngày càng gia tăng. Chỉ riêng các xã Nghi Thái, Nghi Yên, Nghi Quang (huyện Nghi Lộc) đã có 25,5 ha tôm bị chết. Biểu hiện bệnh là tôm sau khi nuôi được 15 đến 25 ngày yếu dần, bỏ ăn và một thời gian ngắn sau thì chết. Mặc dù nông dân đã sử dụng nhiều loại thuốc để trị bệnh nhưng hiệu quả không cao và hiện tượng tôm chết vẫn xuất hiện.
Nhiều hộ nông dân cho rằng, ao hồ trước khi đưa vào thả nuôi tôm đều được xử lý kỹ thuật đúng quy định nên việc tôm chết nhiều không thể do nguyên nhân xử lý ao nuôi mà phải do nguyên nhân mới lạ nào khác. Chi cục thú y nghệ An lấy mẫu phân tích, cho thấy nguyên nhân gây nên tôm chết là do hội chứng hoại tử gan tuỵ.
Hiện nay, trước diễn biến phức tạp của bệnh hoại tử gan tuỵ làm tôm chết, ngành thú y Nghệ An đang phối hợp với các địa phương và nông dân thực hiện các biện pháp khoanh vùng dập dịch đối với những diện tích tôm bị bệnh; đóng chặt cống thoát nước, tránh để nước trong ao hồ nuôi tôm chảy ra ngoài gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến những ao hồ nuôi khác.
Chi cục thú y Nghệ An khuyến cáo nông dân nếu tôm bị bệnh còn nhẹ và đạt kích cỡ thương phẩm thì khẩn trương thu hoạch; sau khi thu hoạch xong phải xử lý ao hồ đúng quy định và phải 30 ngày sau mới được thả nuôi lứa tiếp theo./.