Bạn biển bỏ nghề
Nghề truyền thống câu cá hố của ngư dân làng biển Cửa Đại (TP.Hội An) kéo dài từ tháng 8 sang tháng giêng năm sau. Tuy nhiên, hiện có nhiều tàu cá theo nghề này đang phải nằm bờ do thiếu lao động. Anh Nguyễn Một (khối phố Phước Thịnh, phường Cửa Đại) - chủ tàu QNa-92369 cho biết, trung bình mỗi chuyến biển kéo dài trong vòng 10 ngày với 10 lao động. Mấy năm trước đây, nghề câu cá hố ăn nên làm ra nên có nhiều thanh niên trong phường gắn bó cùng sản xuất. Hơn một năm qua, nguồn lợi này suy giảm, sản xuất kém nên nhiều bạn biển cùng quê đã bỏ nghề chuyển lên bờ tham gia làm dịch vụ, du lịch hoặc buôn bán. “Không trách bạn biển được vì họ theo nghề câu cá hố cũng chỉ vì sinh kế, nay thu nhập kém nên họ chuyển nghề. Không hiểu sao trữ lượng cá hố ngày càng ít ỏi, có khi “đỏ mắt” từ đêm đến sáng cũng chỉ câu được vài con. Tôi bươn bả tìm kiếm lao động ở khắp vùng Điện Bàn qua Duy Xuyên, Thăng Bình mà không đủ để ra khơi” - anh Một nói.
Ông Huỳnh Nùng (khối phố Phước Trạch, phường Cửa Đại) - chủ tàu QNa-92647 cũng than thở vì tàu nằm bờ bấy lâu nay do không đủ lao động ra khơi. Ông Nùng cho biết, theo nghề lưới rê tầng đáy, không thể kéo được lưới nếu không đủ lao động. Vàng lưới rê của ông Nùng có chiều dài 9km, cao hơn 5m nên phải trông chờ đủ 10 lao động mới có thể sản xuất được. Ông Nùng nói: “Thanh niên ở làng biển bỏ nghề gần hết rồi. Nghề này lênh đênh có khi cả tháng trời ngoài biển, xa vợ con, thời gian gần đây lại sản xuất kém hiệu quả, thu nhập thấp nên lao động nghề biển chuyển lên bờ mưu sinh. Tìm lao động ở nhiều nơi nhưng không đủ nên tàu nằm bờ có khi mấy tháng trời”. Theo ông Nùng, trung bình trước đây mỗi chuyến biển trong vòng 10 ngày thu được không dưới 10 tấn cá cờ, mực nang, mực lá thì trong cả năm qua chỉ thu được gần 9 tấn sau 8 chuyến đi biển.
Ở các xã Tam Quang, Tam Giang (Núi Thành), nhiều chủ tàu cá cũng gặp khó vì thiếu lao động đi biển. Theo ông Nguyễn Văn Lúc - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Giang, nghề câu mực khơi thiếu bạn biển trầm trọng. Nhiều chủ tàu trên địa bàn đã phải lặn lội vào các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định tìm lao động nhưng thiếu vẫn hoàn thiếu vì nghề này quá khắc nghiệt, bạn biển phải trắng đêm câu mực trên thuyền thúng. Mỗi chuyến biển của nghề này thường diễn ra ở ngư trường Trường Sa kéo dài gần 3 tháng trời.
Bài toán khó
Ông Trần Chí Thanh - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND phường Cửa Đại cho biết, thiếu lao động nghề cá là bài toán khó, địa phương không biết nên mừng hay lo. Trên địa bàn hiện có 53 tàu cá sản xuất xa bờ. Hiện nhiều tàu nằm bờ còn một số lao động nghề biển thì sang xã Cẩm Thanh (Hội An) bơi thúng có nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng. Nhiều thanh niên khác bỏ nghề biển sang hoạt động dịch vụ, du lịch như homestay, hướng dẫn khách tham quan là các ngành được phường khuyến khích. “Nghề nào có thu nhập kha khá thì người dân theo thôi” - ông Thanh nói. Ông Lê Công Sỹ - Chủ tịch UBND phường Cửa Đại cho biết, đi biển là nghề truyền thống lâu đời của địa phương. Xu hướng mới là nhiều ngư dân chuyển nghề sang làm du lịch, dịch vụ có nguồn thu nhập khá và ổn định hơn.
Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, chọn nghề, chuyển nghề là tự nguyện, tự giác của mọi công dân nên chuyện thiếu lao động gây khó cho nghề cá nhưng cũng phải tuân theo quy luật vận động của cuộc sống. Chủ trương của tỉnh là hạn chế lao động nghề cá ven bờ và tuyến lộng vì tàn phá nguồn lợi nhưng việc này nan giải vì những ngư dân già không đủ nguồn lực tài chính để chuyển nghề. Trong khi đó, tỉnh khuyến khích chuyển lao động trẻ trong nghề biển ven bờ sang xa bờ thì ngược lại nghề cá xa bờ lại thiếu lao động nghiêm trọng. “Điều quan trọng là các chủ tàu cá đánh bắt xa bờ phải năng động, sản xuất hiệu quả thì sẽ có nhiều lao động theo, gắn bó. Thiếu lao động nghề cá đánh bắt xa bờ là do các chủ tàu thu được giá trị kinh tế thấp trong mỗi chuyến ra khơi” - ông Ngô Tấn nói.