Hiện nay phía thượng nguồn sông Mã có nhiều Nhà máy thủy điện đang hoạt động như: Thủy điện Bá Thước 1, Bá Thước 2, thủy điện Trung Sơn. Các nhà máy thủy điện đồng loạt tích nước trong mùa khô đã dẫn đến tình trạng mực nước sông xuống thấp.
Dọc bên bờ sông Mã nhiều thuyền bè nuôi cá lồng bỏ hoang mục nát bên sông. Mực nước sống xuống quá thấp cộng với việc các nhà máy sản xuất ở thượng nguồn liên tục xả thải khiến nghề nuôi cá lồng đối mặt với nhiều khó khăn.
Mới đây Nhà máy sắn Bá Thước đóng tại xã Thiết Ống, huyện Bá Thước thuộc Công ty Cổ phần XNK Rau quả Thanh Hóa đã bị cơ quan chức xử phạt hành chính liên tiếp 2 hành vi vi phạm với số tiền lên đến 310 triệu đồng. Trước đó, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành kiểm tra hoạt động của nhà máy này và xử phạt hành chính số tiền 50 triệu đồng vì hành vi không lắp đặt thiết bị quan trắc lưu lượng nước (đồng hồ đo lượng nước) thải tại vị trí cửa xả thải, trước khi xả nước thải vào sông Mã. Ngoài việc bị xử phạt, doanh nghiệp còn buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm trước ngày 30/3, chi trả kinh phí phân tích mẫu nước xả thải theo quy định; sau đó, thông qua Thanh tra Sở TN&MT, báo cáo kết quả về UBND tỉnh Thanh Hóa.
Anh Hà Văn Toàn – một người nuôi cá lồng ở xã Lâm Xa (Bá Thước) cho biết: “Nước sông cạn đến đâu chúng tôi buộc phải hạ lồng nuôi cá đến đó, hạ đến khi không thể hạ lồng cá được nữa vì nước đã xuống quá thấp. Chúng tôi buộc phải bán cá, bỏ hoang lồng nuôi cá. Nếu không bán vội cá, cá sẽ chết do thiếu nước, chết do nước sông bị ô nhiễm”.
Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Bá Thước, trước đó do ảnh hưởng của việc thiếu nước, nguồn nước ô nhiễm, ngày 03/01/2017 có 16 hộ dân nuôi trồng thủy sản dọc bờ sông Mã trên địa bàn xã Lâm Xa huyện Bá Thước có hiện tượng cá chết hàng loạt với 16 lồng cá bị chết (20m2/1 lồng), tổng trọng lượng đạt 1047 kg cá các loại như: Cá trắm, cá chiên, cá lăng, cá chép.
Trước sự việc trên, ngày 09/01/2017 UBND huyện Bá Thước có Thông báo số 24 UBND – NN gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo về tình hình thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Bá Thước, nêu rõ: Đến ngày 08/01/2017 do mực nước sông xuống quá thấp nên 13/14 trạm bơm do Ban quản lý khai thác các công trình thủy lợi huyện quản lý đã không hoạt động được. Các trạm bơm này phụ trách tưới cho 8 xã: Thiết Ống, Lâm Xa, Ban Công, Ái Thượng, Tân Lập, Điền Lư, Lương Ngoại, Lương Trung nên xảy ra tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt trên địa bàn các xã. Đồng thời mực nước sông xuống thấp ảnh hưởng đến việc cung cấp nước tưới cho gieo cấy vụ Chiêm Xuân 2017 của toàn huyện.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Tam – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bá Thước, cho biết: “Chúng tôi đã gửi nhiều văn bản lên các cơ quan chức năng cấp trên yêu cầu các nhà máy thủy điện xả nước để phục vụ tưới nước cho nông nghiệp cũng như đảm bảo để nghề nuôi cá lồng hoạt động. Phía các nhà máy thủy điện sau đó có xả nước nhưng tiến độ lại chậm trễ, một thời gian sau mới có nước về, lưu lượng nước lại không được nhiều”.
Tháng 8 năm 2016 hàng chục tấn cá lồng trên sông Mã cũng chết bất thường. Nhà chức trách đánh giá, nguyên nhân tình trạng này là suy thoái diện tích che phủ rừng, xây dựng nhiều thủy điện ở thượng lưu.
Không chỉ riêng trên sông Mã, các dòng sông ở Thanh Hóa cũng đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm nặng nề. Tình trạng cá lồng chết diễn ra liên tục trên địa bàn tỉnh. Mới đây nhất là trên sông Âm. Đó cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho các nhà máy nên có biện pháp giải quyết bài toán ô nhiễm!