Nằm trong dự án hỗ trợ của Chính phủ Pháp đối với Việt Nam qua nguồn vốn ODA, từ năm 2013-2015, 270 tàu cá trên địa bàn tỉnh BR-VT được hỗ trợ lắp đặt miễn phí máy Movimar, trị giá 135 triệu đồng/máy. Đây là dự án nhằm hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý nghề cá, các hoạt động khai thác nguồn lợi hải sản và bảo đảm an toàn cho ngư dân trên biển. Theo đó, tàu cá được trang bị máy Movimar sẽ nhận được tín hiệu GPS và được định vị 24/24 giờ, mỗi tàu có ăng-ten thu phát và mã số. Hệ thống giám sát trên bờ sẽ thu được hình ảnh hiển thị của tàu trên biển. Vì vậy, cơ quan quản lý có thể biết chính xác vị trí của tàu đánh cá thông qua ảnh chụp từ vệ tinh. Thiết bị này còn giúp ngư dân có thể nắm bắt được các thông tin cần thiết cho mỗi chuyến ra khơi như ngư trường có nhiều thủy, hải sản, tin dự báo thời tiết biển, nhờ đó có thể định hướng cho tàu, thuyền trở về bờ hoặc vào nơi tránh bão an toàn gần nhất.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, kể từ khi hoàn thành việc lắp đặt từ năm 2015 đến nay, nhiều chủ tàu cá phản ánh máy Movimar chưa phát huy hiệu quả khi sử dụng. Do đó, nhiều ngư dân không mang theo hoặc tắt máy khi ra khơi đánh bắt.
Ngư dân Nguyễn Văn Huynh, nhà ở đường Trần Phú, phường 5, TP.Vũng Tàu cho biết: “Máy Movimar khá khó sử dụng do cần nhiều thao tác phức tạp. Bên cạnh đó, âm thanh của máy này khá nhỏ, khi ra khơi gặp gió lớn, ồn ào sẽ không nghe được. Hệ thống này cũng khá tốn điện, 3 ngày tốn hết một bình ắc quy 12V, với những chuyến biển dài ngày chúng tôi không chuẩn bị đủ điện để sử dụng”.
Đoàn của Tổng cục Thủy sản và Chi cục Thủy sản tỉnh kiểm tra, khảo sát tình hình sử dụng máy Movimar trên tàu cá. Ảnh: QUANG VINH
Còn theo ngư dân Tôn Ân (ấp Phước Thiện, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền), nguyên nhân chính khiến các tàu cá không mặn mà với máy Movimar này là tin nhắn định vị trên biển chỉ có một nơi tiếp nhận được đặt máy chủ tại Hà Nội. Do đó khi cơ quan chức năng BR-VT muốn xác định chuyến biển xa bờ của ngư dân phải lấy lại từ Tổng cục Thủy sản nên khá bất tiện và kéo dài thời gian làm các thủ tục hỗ trợ cho tàu cá xa bờ. Ngoài ra, việc thông tin liên lạc với đất liền và giữa các tàu cá gặp nhiều khó khăn. Các bản tin dự báo thời tiết, gió bão nhiều khi khá chậm so với các loại máy cùng loại khác. Đây là nguyên nhân khiến cho ngư dân vẫn ưa chuộng sử dụng Icom và VX-1.700 hơn do các loại máy này có thể điện đàm trực tiếp về đất liền, rất thuận tiện.
Ở một khía cạnh khác, qua trao đổi với ông Nguyễn Đức Hoàng, được biết, ngoài những nguyên nhân trên, không loại trừ việc ngư dân không mặn mà sử dụng máy Movimar là do khi mở máy, vị trí tàu cá trên biển dễ dàng được định vị và gửi dữ liệu về cơ quan quản lý. Đây là điều một số ngư dân e ngại.
Để có câu trả lời chính xác về hệ thống Movimar, từ tháng 10-2017, Tổng cục Thủy sản đã cử cán bộ vào phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh kiểm tra, khảo sát trên 270 tàu cá được lắp đặt. Kết quả cho thấy, có 27 máy đã mất (tàu chìm, mất cắp…), 16 thiết bị hư hỏng hoàn toàn không thể sử dụng, 11 thiết bị hư hỏng có thể sửa chữa được, sẽ được trả lại cho Tổng cục Thủy sản hoặc chuyển giao cho Đài thông tin Duyên hải Vũng Tàu sửa chữa. Số còn lại vẫn hoạt động bình thường, tín hiệu tốt.
Chi cục Thủy sản tỉnh đã cho ngư dân ký cam kết bật máy Movimar khi đánh bắt xa bờ. Ông Hoàng cho biết: “Hiện nay Đài Thông tin Duyên hải Vũng Tàu luôn chú trọng cập nhật hệ thống, khắc phục các lỗi kỹ thuật như ngư dân phản ánh. Trong trường hợp máy Movimar hư hỏng sẽ được đơn vị này sửa chữa miễn phí. Hy vọng các biện pháp này sẽ giúp ngư dân sử dụng hệ thống máy Movimar. Các cơ quan chức năng cũng thuận tiện trong quản lý, tránh tình trạng tàu cá đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài như thời gian qua”.