Câu chuyện từ Cà Mau
Nghiên cứu xây dựng cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cho nuôi trồng thuỷ sản tại Cà Mau được thực hiện trong khuôn khổ gói hỗ trợ kỹ thuật CDTA 8592 VIE: “Tăng cường thực thi chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Việt Nam”, được tài trợ bởi Quỹ giảm nghèo Nhật Bản thông qua Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dưới sự quản lý của VNFF (Qũy bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam) với mục tiêu xây dựng và đề xuất được một cơ chế chi trả DVMTR hợp lý cho mô hình tôm sinh thái có chứng nhận quốc tế tại Cà Mau.
Tiên phong trong nuôi tôm sinh thái tại Cà Mau là 3 công ty Camimex, Seanamico, Minh Phú. Theo báo cáo của Chương trình ICMP (Quản lý Tổng hợp vùng ven biển), sản phẩm tôm sinh thái của Cà Mau được xuất sang 2 thị trường Đức, Thụy Sỹ trước khi được phân phối một phần nhỏ sang các nước Châu Âu khác với mức giá cao hơn từ 20 – 50% so với sản phẩm tôm nuôi công nghiệp cùng chủng loại.
Với tiềm năng và lợi thế vượt trội, song Cà Mau gặp khó khăn trong việc phát triển tôm sinh thái do 2 yếu tố: Sự phân phối lợi ích kinh tế giữa công ty thủy sản và người dân chưa cân bằng; quy mô nuôi nhỏ lẻ ảnh hưởng làm tăng chi phí xác nhận chứng chỉ, kiểm soát chất lượng.
Để giải quyết các vướng mắc trên, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định 111/QĐ-UND ngày 22 tháng 1 năm 2016 quy định thí điểm nuôi tôm – rừng có chứng nhận quốc tế trên địa bàn tỉnh Cà Mau, trong đó lồng ghép thí điểm chi trả DVMTR.
Theo Quyết định thí điểm, doanh nghiệp thủy sản lập và thực hiện dự án nuôi tôm rừng có chứng nhận quốc tế phải xây dựng quan hệ bình đẳng, hai bên cùng có lợi với các hộ dân nuôi tôm – rừng. Thông qua chính sách chi trả DVMTR, các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng sẽ được hỗ trợ bổ sung tối thiểu 500.000 đ/ha/năm hoặc bình quân 1.000 đ/kg tôm chứng nhận quốc tế tùy theo thỏa thuận.
Như vậy, việc chi trả DVMTR hay chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên trong nuôi trồng thuỷ sản mới chỉ thực hiện thí điểm tại quy mô nhỏ với một đối tượng nuôi tôm sinh thái tại Cà Mau. Trong thời gian tới, khi chính sách này triển khai cho cả ngành nuôi trồng thuỷ sản trên quy mô cả nước sẽ là một thách thức rất lớn.
Cơ chế chi trả DVMTR hợp lý cho mô hình tôm sinh thái có chứng nhận quốc tế tại Cà Mau. Ảnh minh họa.
Cân bằng lợi ích giữa người nuôi thuỷ sản và người bảo vệ rừng
Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Giai đoạn từ năm 1997 đến năm 2020, xuất khẩu thuỷ sản tăng gấp 11 lần, tăng trưởng trung bình hàng năm 10%, từ 758 triệu USD lên 8,5 tỷ USD.
Theo báo cao của Tổng cục Thuỷ sản: Năm 2020, diện tích nuôi thủy sản của cả nước là 1,3 triệu ha và 10.000.000 m3 nuôi lồng (7.500.000 m3 lồng nuôi mặn lợ và 2.500.000 m3 nuôi ngọt); sản lượng nuôi 4,56 triệu tấn.
Trong đó, tôm nuôi 950.000 tấn (tôm sú đạt 267,7 nghìn tấn, tôm chân trắng 632,3 nghìn tấn, tôm khác 50.000 tấn), cá tra 1.560.000 tấn. Cả nước có 2.362 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ (1.750 cơ sở giống tôm sú và 612 cơ sở giống tôm chân trắng). Riêng khu vực ĐBSCL có khoảng 120 cơ sở sản xuất giống cá tra bố mẹ, gần 4.000 ha ương dưỡng cá tra giống, sản xuất được khoảng 2 tỷ cá tra giống.
Diện tích nuôi biển 260 nghìn ha và 7,5 triệu m3 lồng; sản lượng đạt 600 nghìn tấn. Trong đó nuôi cá biển 8,7 nghìn ha và 3,8 triệu m3 lồng, sản lượng 38 nghìn tấn; nhuyễn thể 54,5 nghìn ha, 375 nghìn tấn; tôm hùm 3,7 triệu m3 lồng, 2,1 nghìn tấn; rong biển 10.150 ha, 120 nghìn tấn; còn lại là cua biển và các đối tượng nuôi khác như cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm… đạt 3.720 tấn, cao hơn 2 lần so với năm 2015).
Để phát triển nuôi trồng thuỷ sản, một trong những điều kiện quan trọng nhất đó là cần có một môi trường nước đủ về cả lượng và chất. Nuôi trồng thuỷ sản luôn phải gắn với những thuỷ vực nhất định.
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thì từ ngày 01/01/2022, hoạt động nuôi trồng thuỷ sản sẽ phải thực hiện nghĩa vụ chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên.
Để thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng và trình Chính phủ Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó có nội dung về thực hiện chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên trong nuôi trồng thuỷ sản. Bộ NN-PTNT cũng đang tích cực phối hợp cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường để có những hướng dẫn chi tiết về nội dung này.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, để thực hiện quy định về chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên trong nuôi trồng thuỷ sản, rất cần sự vào cuộc của các cấp ngành từ trung ương đến địa phương và đặc biệt và sự ủng hộ, tham gia của các tập thể, cá nhân đang hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên phạm vi cả nước.