Trên toàn cầu, Indonesia là quốc gia có hệ thống rừng ngập mặn phong phú nhất chiếm 3.112.989 ha, khoảng 22,6% tổng sinh cảnh rừng ngập mặn toàn cầu. Tuy nhiên, có một mối quan ngại đồng thời liên quan đến nạn phá rừng gia tăng, với 60.906 ha rừng ngập mặn đã bị phá hủy ở Indonesia trong giai đoạn 2000–2012 vì các hoạt động khai thác dầu cọ, phát triển đô thị và nuôi trồng thủy sản.
Việc bảo tồn rừng ngập mặn trở thành một nhiệm vụ cấp bách. Tuy nhiên, áp lực kinh tế ngày càng tăng từ nuôi trồng thủy sản và du lịch vẫn dẫn đến nạn phá rừng. Một trong những lí do là việc chuyển đổi các khu vực rừng ngập mặn sang sử dụng cho mục đích nuôi trồng thủy sản được coi là một hoạt động kinh tế có lợi. Đông Kalimantan là một trong những khu vực biên giới đang phải đối mặt với hoạt động cân bằng này nhằm bảo vệ hệ sinh thái trong khi duy trì nền kinh tế.
Ở Indonesia, ngành nuôi trồng thủy sản được đánh giá cao, vào năm 2015, quốc gia này tuyên bố sứ mệnh trở thành nhà sản xuất các sản phẩm nuôi trồng thủy sản lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, mục tiêu này có thể gây nên các áp lực sinh thái khác nhau chẳng hạn như những tác động tiêu cực đến môi trường được báo cáo trong một nghiên cứu điển hình ở Việt Nam gây ra các vấn đề ô nhiễm nước và bùng phát dịch bệnh. Vì vậy, một số chiến lược để kết hợp nuôi trồng thủy sản vào các nỗ lực bảo tồn rừng ngập mặn đã được đề xuất như một phương pháp tiếp cận mới.
Mặc dù các quy định và hướng dẫn về thực hành nuôi trồng thủy sản bền vững đã được thiết lập nhưng việc thực hiện hiệu quả các quy định này vẫn gặp một số trở ngại nhất định do nhiều hạn chế về môi trường và xã hội. Để giải quyết những thách thức này, điều cần thiết là phải nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về tình trạng rừng ngập mặn và các chính sách nuôi trồng thủy sản có liên quan.
Cuộc khảo sát được thực hiện ở tỉnh Đông Kalimantan (Indonesia) có diện tích rừng ngập mặn rộng lớn và là nơi có ngành nuôi trồng thủy sản đang phát triển, đặc biệt là các thành phố Balikpapan và Berau. Theo thống kê, các loài được nuôi phổ biến ở đây bao gồm cá măng sữa (Chanos chanos) có khả năng kháng bệnh khá tốt, dễ nuôi và tôm sú (Penaeus modon) được coi là quan trọng về mặt kinh tế vì có giá bán cao hơn. Nghiên cứu này tập trung vào việc điều tra, xác định nhận thức về lợi ích của rừng ngập mặn từ các nông dân nuôi trồng thủy sản ở một số tỉnh Indonesia để có thể xem xét phương pháp, chính sách hiệu quả đảm bảo nuôi trồng thủy sản bền vững cùng tồn tại với hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Kết quả cho thấy một sự khác biệt khác giữa hai địa điểm nghiên cứu là quy mô ao nuôi, với những người nông dân Balikpapan hoạt động ở quy mô tương đối nhỏ hơn, họ cũng đã có kế hoạch tích hợp các ao nuôi vào các loại hình hoạt động tiềm năng khác (ví dụ: du lịch). Các hoạt động phổ biến trong khu vực này bao gồm sử dụng ao cá làm địa điểm câu cá, nơi khách du lịch hoặc du khách có thể yêu cầu nấu chín cá đánh bắt được. Loại hình lồng ghép các hoạt động nuôi trồng thủy sản vào du lịch cũng giúp tăng cường các nỗ lực bảo tồn rừng ngập mặn.
Ngược lại, ở Berau, hầu hết những người nuôi trồng thủy sản bỏ qua hoặc không nhận ra tiềm năng của việc lồng ghép ao cá và rừng ngập mặn vào các hoạt động du lịch. Điều này có thể là do quy mô của các hoạt động ở Berau khá khác so với Balikpapan; một số nông dân ở Berau có thể sở hữu và vận hành các khu vực ao cá, nơi có diện tích gần gấp 5 lần diện tích của nông dân ở Balikpapan. Khi được hỏi về tầm quan trọng của rừng ngập mặn, nông dân ở Berau thường đề cập tới khả năng ngăn ngừa thiên tai và xói mòn. Vì vậy, một số nông dân đã bắt đầu trồng hoặc giữ hệ sinh thái rừng ngập mặn còn lại trong ao cá xung quanh vì mối đe dọa từ xói mòn bờ biển, có thể phá hủy các ao nuôi.
Nhìn chung, chính phủ Indonesia vẫn cần hành động nhiều hơn nữa để phổ biến các hướng dẫn một cách hiệu quả như ban hành các chính sách liên quan đến nuôi trồng thủy sản, bao gồm quy hoạch, quản lý bất kỳ khu vực nào có thể được phân bổ cho ngành nuôi trồng thủy sản trong ranh giới tỉnh và các hướng dẫn để đảm bảo thực hành nuôi trồng thủy sản tốt thúc đẩy thông qua nhiều luật, sáng kiến giáo dục và chương trình chứng nhận. Bước tiếp theo là làm thế nào để kết hợp nhận thức và kiến thức này vào hành vi và thực hành thực tế của nông dân, điều này không chỉ giới hạn ở lợi ích của việc bảo tồn rừng ngập mặn mà còn nâng cao hơn nữa năng suất nuôi trồng thủy sản.