Doanh nghiệp (DN) thiếu vốn, không có ngân hàng chắc chắn sẽ khó khăn vô cùng. Những cái bắt tay giữa DN và ngân hàng sẽ đưa đến sự thịnh vượng cho cả hai nếu DN làm ăn đàng hoàng. Thực tế có những cái bắt tay khiến cho ngành xuất khẩu tôm Việt Nam mang nhiều tai tiếng sau khi hàng loạt các “đại gia” và cán bộ ngân hàng sộ khám.
Giải ngân dễ dãi hay bị áp lực
Hầu hết các “đại gia” thủy sản miền Tây bị bắt thời gian qua đều có liên quan đến các cán bộ ngân hàng. Đây là câu chuyện không mới, tuy nhiên lần giở những trang tài liệu, PV Báo Lao Động phát hiện ngoài hành vi gian dối của khách hàng là các “đại gia”, chính cán bộ ngân hàng cũng tiếp tay bất chấp những quy định khắt khe của ngân hàng.
Cụ thể tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh Minh Hải, nơi có đến 8 cán bộ chờ ngày lĩnh án, quá dễ dãi đối với việc giải ngân cho những khách hàng thiếu năng lực nhưng lại thắt chặt đối với những DN làm ăn chân chính. Dù rằng từ năm 2009 VDB Việt Nam đã phát hiện chi nhánh mất an toàn với số tiền trên 1.000 tỉ đồng nên liên tiếp có văn bản nhắc nhở nhằm bảo toàn vốn. Đặc biệt nghiêm cấm việc cho vay đáo hạn với mọi hình thức. Không được giải ngân cho tài khoản khách hàng mà thanh toán vào tài khoản của người thụ hưởng (người bán nguyên liệu cho nhà máy).
Bất chấp những quy định, hầu hết cán bộ tại VDB Minh Hải đều giải ngân thẳng vào tài khoản của khách hàng để ngay sau đó khách hàng trả nợ cũ dù hồ sơ xin vay và được duyệt đều khẳng định dùng để xuất khẩu. Xin đơn cử: DN tư nhân Ngọc Sinh ký 60 hợp đồng vay vốn với VDB tổng số tiền 303 tỉ đồng nhưng DN này dùng chính số tiền vay được từ VDB Minh Hải để trả nợ vay chính VDB Minh Hải từ trước 2009 và đảo nợ lên đến 283 tỉ đồng. Cty Việt Hải vay của VDB 101 tỉ đồng, đáo hạn và trả nợ cũ cho VDB Minh Hải trên 62 tỉ đồng. Điều đáng nói, Cty Việt Hải vừa được giải ngân xong là trả ngay cho VDB với rất nhiều hợp đồng trị giá hàng chục tỉ đồng. Đơn cử ngày 8.9.2009, vừa được VDB Minh Hải giải ngân 5,1 tỉ đồng, Cty Việt Hải nộp lại ngay 5,1 tỉ đồng cho VDB Minh Hải gọi là trả nợ cũ. Một cán bộ ngân hàng cho rằng đây là hình thức làm sạch nợ của ngân hàng trước áp lực nợ xấu của chi nhánh.
Hệ lụy khôn lường
Chỉ tính 4 vụ vỡ nợ của các “đại gia” thủy sản gần đây (Cty Phương Nam, Thiên Mã, 7 DN Cà Mau, Thạnh Hưng - Cần Thơ) có số tiền thất thoát lên đến trên 5.000 tỉ đồng. Đó là con số định lượng, còn tính chất mức độ lan tỏa của việc làm gian dối này khiến cho ngành nuôi tôm miền Tây điêu đứng.
Ông Võ Minh Tiến - Chi cục Quản lý chất lượng an toàn thực phẩm thủy sản Cà Mau - phân tích: Nhà máy không có nguyên liệu nhưng kê khống làm cho các nhà quản lý nhầm tưởng rằng lượng tôm ĐBSCL rất nhiều nên cấp phép hàng loạt cho các DN chế biến thủy sản khiến cho các nhà máy trong tình cảnh lúc nào cũng thiếu nguyên liệu, xảy ra tranh mua tranh bán. Thậm chí họ mua cả nguyên liệu bơm chích tạp chất. Cuối cùng thì người nuôi phải gánh chịu hậu quả. Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú - trần tình: “DN làm ăn chân chính rất sợ thiếu nguyên liệu và bao giờ cũng xem lợi ích của người nuôi là lợi ích của DN. Đối với các món vay, tôi không dám nói thẳng nhưng hầu hết các DN xuất khẩu chân chính rất khó tiếp cận với nguồn vốn vay, nhất là vốn ưu đãi”.
Một DN chuyên chế biến thủy sản sạch ở Sóc Trăng (xin không nêu tên) cho rằng cũng cần thông cảm cho ngân hàng vì họ không cho vay thì DN không có tiền đáo hạn, số nợ cũ trở thành nợ xấu, họ mất chức ngay. Vì vậy họ “ưu ái” cho những DN làm ăn không đàng hoàng, dù rằng cán bộ ngân hàng nào cũng biết sai quy định. Đồng quan điểm này, ông Lương Ngọc Lân - Giám đốc Sở NNPTNT Bạc Liêu - cho rằng: “Chúng tôi rất chia sẻ với các DN chế biến xuất khẩu thủy sản trước những khó khăn, áp lực từ nhiều phía. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong mỏi các DN làm ăn một cách đàng hoàng, minh bạch tất cả vì danh dự thương hiệu và vì ngành xuất khẩu tôm Việt Nam”.
Hình ảnh con tôm Việt Nam trên trường quốc tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ những việc làm của những “chúa chổm” khoác áo “đại gia”. Một Cty Phương Nam Sóc Trăng vỡ nợ mất đến 4 năm mới tái cơ cấu thành công. Hàng loạt các nhà máy chế biến thủy sản khác sau khi lãnh đạo “sộ khám” đều lâm vào cảnh khốn đốn, đời sống công nhân vô cùng khó khăn. Nhiều nơi nợ bảo hiểm lên đến vài tỉ đồng mà không có cách gì khắc phục.