Đóng cá kèo giống là cách khai thác cá kèo non trên những lưu vực sông lớn, có thuỷ triều lên, xuống tương đối mạnh. Người dân sử dụng phao cột vào 2 thân cây mắc dây và lưới mành thả ngầm dưới mặt nước, đợi cho con nước thuỷ triều lên, xuống, cá kèo cũng như các loài thuỷ sản nhỏ li ti sẽ tự động trôi vào lưới. Với cách đánh bắt này cá non rất dễ chết, vì vậy người dân chỉ thu được khoảng 60% sản lượng bắt được. Đây là cách khai thác ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thuỷ sản bởi người dân đánh bắt bằng loại lưới mành, có mắt lưới nhỏ.
Theo người dân địa phương, nếu như những năm trước, lúc cao điểm của mùa khai thác cá kèo giống, trên lưu vực sông Tam Giang thuộc địa bàn 2 huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, phao đóng cá kèo trắng cả một khúc sông, với hàng trăm người tham gia khai thác. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, do giá cá kèo giống, xuống thấp, số lượng người khai thác cũng thưa hẳn. Trước đây, giá 1 kg cá kèo giống có thể lên đến hơn 10 triệu đồng, thời điểm hiện tại giá đã sụt giảm rất nhiều, hiện chỉ khoảng 400-600 ngàn đồng/kg. Có thời điểm khai thác nhiều quá, thương lái từ chối không mua, cá kèo chết hết đành phải bỏ.
Không có đất sản xuất cũng như việc làm ổn định, nhiều hộ đành chấp nhận bám trụ với nghề vào mỗi mùa cá kèo giống, bất chấp sự ngăn cấm của chính quyền địa phương. Ông Lê Văn Liệt, ngụ ấp Tân Tạo B, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Dọc theo tuyến sông này chừng 3 năm trước, phao dọc 2 bên bờ sông rất nhiều, nhưng bây giờ do giá cá xuống quá thấp, đóng chỉ cầm chừng vậy thôi. Nếu như lúc trước khoảng 10 người đóng thì thời điểm này chỉ 3 người”.
Nếu không có biện pháp ngăn chặn, quản lý thực sự hiệu quả từ ngành chức năng, việc khai thác bừa bãi như hiện nay sẽ tạo ra nguy cơ tận diệt nguồn giống tự nhiên, không chỉ cá kèo mà còn đối với các loại thuỷ sản có giá trị cao khác khu vực ven sông trên địa bàn tỉnh.