Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông Phạm Văn Phục (sinh năm 1956) học nghề trồng cây ăn quả chất lượng cao để làm mô hình kinh tế trang trại tại quê nhà Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương. Khi địa phương có chính sách khuyến khích đào ao nuôi thả cá, thấy nhiều hộ dân trong vùng cũng tham gia, cuối năm 2006, ông cùng một số cựu chiến binh thành lập hợp tác xã thủy sản chất lượng cao Xuân Nẻo. Tham gia vào mô hình có khoảng 35 hộ.
Ban đầu, hợp tác xã nuôi cá trên tổng diện tích 35 ha, định hướng cho bà con phương thức làm ăn tập thể. Sau 3 năm, số thành viên đã tăng lên 45 người, diện tích ao nuôi cũng được mở rộng tới 53 ha.
Ao của ông Phạm Văn Phục nuôi thả kết hợp nhiều loại cá. Ảnh: Bizmedia.
Ông Phục cho biết, thời gian đầu, bà con xã viên gặp không ít khó khăn trong việc nuôi trồng do trước đó, nhiều hộ sản xuất tự phát, manh mún nên khi vào làm ăn tập thể còn nhiều bỡ ngỡ. Bên cạnh đó, mô hình nuôi nằm rải rác tại 5 xã thuộc 2 huyện khác nhau (Tứ Kỳ và Gia Lộc) nên thiếu sự tập trung. Dù là một hợp tác xã nhưng do không có văn phòng chỉ đạo cụ thể, không có vốn nên bà con chưa được hỗ trợ các chi phí trong nuôi trồng.
Ngoài ra, nguồn nước khu vực nuôi còn bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm công nghiệp trong vùng nên hợp tác xã mất khá nhiều thời gian và chi phí để khắc phục. Bên cạnh đó, các hộ nuôi cá thương phẩm vẫn phải mua thức ăn chăn nuôi với giá cao, chủ yếu nhập hàng cho thương lái nên giá cả bấp bênh, nguồn lợi thu về không đáng kể.
Một thời gian sau, hợp tác xã Xuân Nẻo tham gia vào liên minh hợp tác xã của tỉnh Hải Dương. Xã viên được cán bộ Sở Khoa học công nghệ địa phương hỗ trợ, tập huấn kiến thức về nuôi cá; tư vấn khoa học kỹ thuật cũng như định hướng phát triển. Do đó, những khó khăn ban đầu dần được khắc phục. Mặt khác, lãnh đạo huyện còn cử cán bộ theo dõi sát sao quá trình nuôi thả cá của các thành viên và có những tư vấn, hỗ trợ kịp thời nhằm giúp bà con làm ăn thuận lợi, nâng cao chất lượng và sản lượng cá thương phẩm.
Trước đó, do nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng của thị trường nên hợp tác xã phát triển đa dạng các loại cá trong ao nuôi để tận dụng nguồn thức ăn và diện tích. Cụ thể, trong một ao, người dân thả nhiều loại cá , phù hợp với đặc tính sinh trưởng và tìm kiếm thức ăn ở nhiều tầng nước. Ví dụ, cá rô phi thường ăn ở tầng nước mặt, cá chép sống ở tầng đáy, cá chim lại ăn đồ thải hồi của các loại cá khác...
Hiện nay, các loại cá của hợp tác xã khá đa dạng, trong đó, chủ lực là cá diêu hồng, rô phi, chép lai, trắm cỏ, ngoài ra còn có cá trôi, mè, cá rô đồng. Tổng sản lượng cá thương phẩm đạt khoảng 400 tấn các loại mỗi năm.
Cá ở đây được nuôi tập trung, cho sản lượng nhiều nhưng theo ông Phục, khó khăn của các hộ thành viên hợp tác xã là chưa tìm được đầu ra ổn định. Vừa qua, hợp tác xã phải hủy một hợp đồng mua bán với siêu thị vì lý do siêu thị thanh toán tiền theo tháng, trong khi bà con lại cần chi phí trực tiếp và liên tục để thanh toán cho các hộ cung cấp thức ăn nuôi. Mặt khác, hợp tác xã lại không có sẵn vốn để tạm ứng cho bà con bù chi phí. Do vậy, bà con vẫn chủ yếu nhập hàng cho tư thương để nhận tiền trực tiếp. Cá thương phẩm vì thế mà thường xuyên bị ép giá.
"Chúng tôi mong chính quyền các cấp và đơn vị chức năng có sự hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện về vốn vay ưu đãi để hợp tác xã khắc phục khó khăn, có vốn xoay vòng, hỗ trợ bà con, tránh rơi vào tình trạng bị ép giá, yên tâm tập trung nuôi thả cá sạch, chất lượng" ông Phục chia sẻ.