Nuôi hàu thương phẩm Thái Bình Dương hay còn gọi là hàu sữa hiện được người dân xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi tập trung đầu tư vì đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đây được xem là hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân ở các làng chài nghèo ven biển.
Ông Văn Công Thanh là người đi đầu trong việc đưa con hàu Thái Bình Dương về nuôi tại vùng biển Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Cách đây 3 năm, ông Thanh vào tận Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, tỉnh Khánh Hòa học hỏi kỹ thuật, mua con giống về nuôi thử nghiệm ở vùng biển quê nhà.
Với số tiền 35 triệu đồng, ông Thanh mua 200.000 con giống và đóng lồng bè tre, gắn phao nổi cố định nuôi hàu sữa ngay tại đầm Sa Huỳnh. Sau 3 tháng nuôi, con hàu trưởng thành, ông tách ra xếp vào sọt nhựa để vật nuôi phát triển.
Theo ông Thanh, nuôi hàu không phải tốn chi phí mua thức ăn vì chúng là loài chỉ ăn động vật phù du, tảo có trong tự nhiên và các loại sinh vật nhỏ... Người nuôi càng vệ sinh sạch sẽ thì hàu càng phát triển, lớn nhanh và sau 6 tháng sẽ cho thu hoạch.
Tuy nhiên, con hàu chỉ nuôi được từ tháng Giêng đến tháng 10 vì các tháng còn lại thời tiết thường lạnh nên hàu ít phát triển, Hiện ông Thanh đã có 8 lồng, bè nuôi hàu, mỗi ngày bán ra thị trường từ 50 - 100 kg hàu. “Con hàu Thái Bình Dương là con xóa đói giảm nghèo của đồng nước mặn. Hiệu quả kinh tế rất là cao”, ông Thanh cho biết.
Ông Đỗ Văn Được ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ cũng là một trong những nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh nhờ nuôi hàu Thái Bình Dương. Theo ông Được, gia đình ông nuôi con hàu và cá bớp là những hải sản đang được thị trường ưa chuộng.
“Hàu và cá bớp là hai giống thủy sản được nuôi trồng, nhưng với con hàu chỉ cần đầu tư ít tiền nhưng lãi suất vẫn cao hơn, và công sức bỏ ra nhiều hơn. Còn cá bớp đầu tư tiền nhiều nhưng công sức bỏ ra ít thu lãi thấp”, ông Được chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Trí, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ cho biết, nghề nuôi hàu sữa không chỉ mang lại thu nhập cao cho nhiều gia đình, mỗi năm hơn 100 triệu đồng mà còn góp phần tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.
“Việc phát triển nuôi hàu Thái Bình Dương tại địa phương tăng nhanh trong 3 năm qua, từ một hộ ban đầu sau đó nhân rộng ra đến nay đã có 50 hộ. Nuôi hàu đã giải quyết nguồn lao động nông nhàn tại địa phương; tăng thu nhập ổn định cho người nông dân”, ông Trí khẳng định
Hiện nay, người nuôi hàu ở huyện Đức Phổ không lo lắng về đầu ra, trong khi vốn đầu tư thấp, kỹ thuật nuôi đơn giản, ít rủi ro, phù hợp với điều kiện của người dân ven biển.
Ông Ngô Hữu Hạ, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, nuôi hàu sữa thương phẩm Thái Bình Dương đang trở thành một trong những hướng đi thoát nghèo cho ngư dân. Ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, đặc biệt là Trung tâm khuyến nông đã tìm kiếm một số vịnh, âu thuyền tương đối ít gió có khả năng phát triển mô hình nuôi hàu. Trong năm tới, tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục tìm thêm địa điểm, tăng diện tích nuôi hàu Thái Bình Dương trên địa bàn./.