Vùng mặt nước vịnh Xuân Đài những ngày cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm 2018, tức 1 năm sau cơn bão số 12, lồng, bè nuôi tôm chật kín cả mặt vịnh. Số lồng tôm hùm thống kê chưa đầy đủ đến thời điểm hiện nay của riêng vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông gấp hơn 2 lần so với năm ngoái. Với việc phát triển lồng nuôi ồ ạt như vậy, sự cố môi trường là khó tránh khỏi. Chính vì vậy, giải pháp nuôi tôm ở vùng biển hở nhằm giảm tải cho đầm vịnh được ngành chức năng và chính quyền địa phương tính đến.
Theo các chuyên gia, Phú Yên có một vùng biển hở đủ rộng và phù hợp để nuôi tôm hùm. Làm được việc này sẽ giải quyết được hai vấn đề, thứ 1 là giảm tải trong vùng đầm vịnh và thứ 2 tạo điều kiện cho những tổ chức, cá nhân có đủ tiềm lực về kinh tế đầu tư lớn và áp dụng các giải pháp kỹ thuật để nuôi tôm hùm trên biển dưới sự quản lý của nhà nước.
Tại các hội thảo chuyên đề về thuỷ sản được tổ chức tại tỉnh Phú Yên trong năm 2018, bên cạnh việc quy hoạch chi tiết vùng nuôi đầm vịnh, các giải pháp kỹ thuật để nuôi tôm hùm ở vùng biển hở cũng được tính toán để phù hợp với điều kiện sóng gió mạnh. Hiện, Phú Yên cũng đã thí điểm thành công vật liệu mới trong nuôi tôm hùm lồng bằng lưới hợp kim đồng.
Hiện tại, công tác quy hoạch chi tiết vùng nuôi tôm hùm vịnh Xuân Đài đang được triển khai tích cực. Tiếp đến là tiến hành quy hoạch chi tiết đầm Cù Mông. Mục tiêu là tạo điều kiện cho người dân được nuôi trong đầm vịnh với số lượng hợp lý, đảm bảo đời sống và an sinh xã hội.
Song song với đó, các giải pháp kỹ thuật để nuôi tôm ở vùng biển hở, trong đó chú trọng sử dụng vật liệu mới, có thể chống chịu được gió bão và đối tượng là những tổ chức, cá nhân có tiềm lực đầu tư, nuôi quy mô lớn. Thực hiện được hai việc này sẽ giảm tải môi trường đầm vịnh, vừa phát huy được tiềm lực nghề nuôi tôm hùm Phú Yên.