Sau khi hoàn thành thu hoạch tôm vụ 1, gia đình anh Ngô Quốc Dương ở xóm Học Văn, xã Quỳnh Bảng tháo hết nước, dọn vệ sinh ở đáy ao nuôi, rắc vôi bột để diệt mầm bệnh tiềm ẩn; lấy nước mới và xử lý nguồn nước... Với diện tích 5.000 m2 anh đã hoàn thành thả tôm vụ 2 với 45 vạn con giống CP và Việt Úc.
"Vụ nuôi này thường khó chăm sóc hơn so với vụ 1, bởi thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, sự biến động của nhiệt độ, PH làm cho tôm dễ mắc bệnh gan tụy, phân trắng. Do vậy, từ 4 - 7 ngày tôi đánh men vi sinh 1 lần để làm sạch môi trường nước, tạo ra các vi khuẩn có lợi. Bên cạnh đó, bổ sung men đường ruột, thuốc bổ gan, khoáng chất, vitamin C để tăng sức đề kháng cho tôm" - anh Ngô Quốc Dương chia sẻ.
Sau khi thu hoạch tôm vụ 1, các hộ nuôi rút cạn nước, xử lý và phơi đáy ao để diệt mầm bệnh. Ảnh: Hồng Diện
Với diện tích 7.000 m2 nuôi tôm thường xuyên, vụ 1 đã cho gia đình anh Hồ Văn Thành ở xã Quỳnh Lương xuất bán được 7 tấn tôm; trừ chi phí sau 3 tháng nuôi thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Hiện nay, mùa mưa bão đang đến gần và thực hiện phương châm “thả sớm ngày nào hay ngày đó” nên khi tôm thu hoạch xong đến đâu, anh khẩn trương triển khai các công đoạn xử lý theo đúng quy trình đến đó để thả tôm đợt mới.
Hiện tại anh Thành đã thả hơn 1 triệu con tôm giống, với mật độ 200 con/m2. Nhằm hạn chế rủi ro anh thả xen kẽ các ao nuôi, thường cách nhau từ 40 - 50 ngày. Để giúp tôm phát triển tốt trong điều kiện nắng nóng, anh cho ăn theo liều lượng khuyến cáo của ngành thủy sản; theo dõi màu sắc, khả năng ăn thức ăn của tôm nhằm khi phát hiện bệnh để kịp thời xử lý.
Trong tổng số 460 ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, đến nay, Quỳnh Lưu đã thu hoạch được gần 90% diện tích nuôi vụ 1 và khẩn trương vệ sinh ao đầm. Hiện toàn huyện đã tiến hành thả nuôi được hơn 20 ha, chủ yếu ở xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Thanh, An Hòa... Theo kế hoạch toàn huyện sẽ kết thúc thả tôm vụ 2 vào ngày 15/7.
Thời tiết nuôi tôm vụ 2 thường nắng gắt kết hợp với mưa nhiều, tôm hay mắc một số bệnh như đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính... Để đảm bảo an toàn cho tôm, các địa phương khuyến cáo hộ người nuôi nên duy trì mực nước trong ao từ 1 - 1,4m; vớt bỏ thức ăn thừa, vệ sinh dụng cụ cho ăn đề phòng nấm mốc; khi sử dụng các chế phẩm sinh học và hóa chất phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về liều lượng. Đồng thời phát huy trách nhiệm của tổ cộng đồng trong việc kiểm tra, nhắc nhở các gia đình nâng cao ý thức, giữ gìn môi trường nuôi chung.
Trong quá trình nuôi tôm, lượng thức ăn từng ngày được người nuôi cân đo rất chính xác để tránh tình trạng dư thừa, gây bùng phát khí độc ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của tôm. Ảnh: Hồng Diện
Ông Bùi Xuân Trúc - Phó phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết: Về vụ nuôi này người nuôi phải chọn lịch nước, xử lý đảm bảo các điều kiện về nguồn nước; cần chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng đã được qua kiểm dịch. Thời tiết nắng nóng như hiện nay cần lưu ý nguồn nước trong ao nuôi phải cấp đủ độ sâu, lượng thức ăn chính xác, không nên cho dư thừa thức ăn và áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP trong nuôi tôm.
Nhờ phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh về ngành nuôi trồng thủy sản, mỗi năm riêng về sản lượng tôm nuôi của Quỳnh Lưu đạt trên 35.000 tấn, có giá trị 350 tỷ đồng... Với việc chuẩn bị chu đáo trong đợt xuống giống thả tôm vụ 2 này, hi vọng bà con tiếp tục có vụ nuôi đạt nhiều thắng lợi cả về năng suất và giá trị.