Thủy triều đỏ là gì?
Thủy triều đỏ còn được gọi là tảo nở hoa, bởi đây chính là hiện tượng tảo sinh sản với số lượng lớn trong nước đến mức làm mất màu nước ven biển. Khi tảo ở cửa sông, biển hoặc nước ngọt tích tụ nhiều sẽ khiến mặt nước đục hoặc chuyển sang màu hồng, xám, tím, đỏ, đen hoặc xanh tùy theo màu sắc của từng loại tảo.
Vì thủy triều đỏ xảy ra do quá trình tảo nở hoa, mà hiện tượng này phụ thuộc nhiều vào những điều kiện vật chất và sinh học như: ánh sáng mặt trời, các chất dinh dưỡng và độ mặn, cũng như tốc độ và hướng của gió và dòng chảy.
Tùy vào từng loại tảo khác nhau mà thủy triều đỏ có thể sản sinh ra những độc tố nhiều hay ít, chúng làm suy giảm oxy và gây ra hàng loạt tác hại, phải kể đến chúng khiến các loài sinh vật biển, các loài cá... chết hàng loạt.
Nguyên nhân gây ra thủy triều đỏ
Nguyên nhân cơ bản dẫn đến thủy triều đỏ do hàm lượng oxy trong nước bị giảm nhanh chóng nếu như xảy ra tình trạng nhiệt độ tăng cao đột ngột, sự trao đổi nước kém cũng như điều kiện dinh dưỡng trong môi trường tăng đột biến, lượng bụi giàu sắt đến từ các vùng sa mạc rộng lớn,...
Hiện tượng thủy triều đỏ xuất hiện là do hàm lượng oxy trong nước bị giảm nhanh chóng. Ảnh: lovethesepics.com
Tác hại của thủy triều đỏ
Hiện tượng này cũng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của con người. Bởi, nếu như chúng ta ăn phải những sinh vật nhiễm độc tố. Nguy hiểm hơn cả, những thành phần độc tố có trong thủy triều đỏ nếu kết hợp với nhau sẽ tạo thành hợp chất cao phân tử, nếu vào trong cơ thể con người sẽ gây tê liệt thần kinh rất mạnh.
Đối với các sinh vật biển, sự tích tụ của lượng tảo biển quá lớn ở trong nước sẽ tạo thành những màng nhầy ở trên mang cá, ảnh hưởng lớn tới quá trình hấp thụ khí oxy trong nước.
Giải pháp ngăn ngừa thủy triều đỏ
Thủy triều đỏ có thể tàn phá các hệ sinh thái biển và dần trở thành một vấn đề quan tâm toàn cầu. Hiện nay, công nghệ xử lý chính được sử dụng để kiểm soát thủy triều đỏ trên quy mô lớn là phun đất sét biến tính (MC – Modified Clay) lên bề mặt nước bị ảnh hưởng bởi thủy triều đỏ.
Gần đây, một nghiên cứu do nhóm các chuyên gia từ Viện Đại dương học thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc (IOCAS) đã tiết lộ liều lượng MC được sử dụng có tác động như thế nào trong việc kiểm soát thủy triều đỏ một cách hiệu quả. Bằng cách tiến hành tạo ra một mô hình toán học phác thảo liều lượng sử dụng MC như thể nào để cho ra kết quả tốt nhất.
Thủy triều đỏ có thể tàn phá các hệ sinh thái, không khí xung quanh trở nên ngột ngạt. Ảnh: placesjournal.org
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khi sử dụng MC sẽ làm kết tụ các sinh vật gây thủy triều đỏ, khả năng loại bỏ vi tảo ban đầu tăng lên, nhưng sẽ giảm dần nếu thêm nhiều đất sét biến tính hơn.
Việc thêm vào quá nhiều sẽ khiến đất sét tự liên kết với nhau, làm giảm khả năng loại bỏ vi tảo có hại. Liều lượng sử dụng MC có sự ảnh hưởng đến tỷ lệ liên kết thông qua sự tương tác giữa đất sét và các tế bào vi tảo, chính sự tương tác này là điều làm cho MC có hiệu quả trong việc chống lại các sinh vật gây thủy triều đỏ.
Theo các nhà nghiên cứu, mô hình toán học của họ có thể mô phỏng các liều lượng sử dụng đất sét biến tính khác nhau và chỉ ra loại mức độ nào hiệu quả nhất. Mô hình cũng có thể minh họa mối quan hệ định lượng giữa liều lượng MC và mức độ tự liên kết của chúng.
Mô hình này có thể được sử dụng như một tài liệu tham khảo quan trọng cho chiến lược tối ưu hóa liều lượng sử dụng MC trong việc kiểm soát mức độ thủy triều đỏ.