Trong thời gian gần đây, trên sông Vàm Cỏ Đông đoạn đi qua các huyện Châu Thành, Gò Dầu, Trảng Bàng, Bến Cầu (Tây Ninh), tình trạng sử dụng bình ắc quy chích cá, rà cá diễn ra cả ngày lẫn đêm. Tương tự, trên đoạn rạch Tây Ninh (khu vực cầu Quan, TX.Tây Ninh), tình trạng người dân công khai dùng lưới điện để bắt cá cũng diễn ra khá phổ biến.
Vài năm nữa, con cháu không biết con cá sông
Anh Nam, chuyên sống bằng nghề chích cá trên sông Vàm Cỏ Đông đoạn đi ngang khu vực cầu Bến Sỏi (xã Thành Long, H.Châu Thành) cho biết, mỗi ngày anh sử dụng ghe, bình điện chích cá dọc con sông này kiếm được từ 100.000 đồng – 200.000 đồng. Đối với con cá nhỏ như cá chốt, cá sặc thì ít khi bắt vì bán chẳng được bao nhiêu. Chứng kiến tình trạng này hằng ngày, bà Nguyễn Thị Lam (ngụ P.2, TX.Tây Ninh) bức xúc: “Nếu chích cá, lưới cá kiểu này hoài thì vài năm nữa con cháu chẳng còn biết mặt con cá sông, cá rạch ra làm sao”
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Văn Khải- Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tây Ninh cho biết, việc ngư dân sử dụng xung điện (chích điện) khai thác thủy sản trên hồ Dầu Tiếng, sông Vàm Cỏ Đông, rạch, đồng ruộng vẫn đang xảy ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản. Công cụ phổ biến là càng chích tay. “Người sử dụng xung điện không biết rằng toàn bộ thủy sản trong bán kính khu vực đánh bắt đều bị chết hoặc vẫn sống sau đó nhưng không thể phát triển được”, ông Khải nói. Cũng theo ông Khải, mới đây, công an H.Trảng Bàng đã bắt quả tang một ghe cào có công suất 200 mã lực, dùng bình điện ắc quy để cào cá trên sông Vàm Cỏ Đông. Đây là vụ dùng xung điện bắt cá lớn bị bắt trên sông này.
Kích điện bị cơ quan chức năng bắt giữ - Ảnh: Giang Phương
Chưa xử lý triệt để
Trong 6 tháng đầu năm 2013, Chi cục Thủy sản Tây Ninh phối hợp với các cơ quan ban ngành, địa phương đã phát hiện 19 vụ vi phạm, tịch thu 19 bình ắc quy, 6 càng chích, tiêu hủy tại chỗ 400m dớn, 500 m lưới đăng, lưới mắc nhỏ, phạt cảnh cáo 1 ghe cào, phạt tiền 13 ghe cào (hồ Dầu Tiếng) 13 triệu đồng, tịch thu 1 ghe cào (H.Bến Cầu). Tuy nhiên, ông Lê Văn Khải thừa nhận: “Việc sử dụng xung điện bắt cá diễn ra hằng ngày, nhưng việc kiểm tra cũng chưa được gắt gao dẫn đến việc xử lý chưa được triệt để”
Còn theo bà Lê Thị Hoàng Quyên, Chánh văn phòng UBND H.Châu Thành, nhiều ngư dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản bằng xung điện đa phần nhỏ lẻ vì đều là những hộ nghèo sống ven sông, rạch. “Để quản lý có hiệu quả thì trước mắt chúng tôi nắm số hộ thường xuyên sống bằng nghề này để tuyên truyền và thực hiện cam kết không sử dụng khích điện, xung điện để đánh bắt thủy sản”, bà Quyên nói.
Cũng theo ông Khải, trong thời gian tới, Chi cục Thủy sản sẽ phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra xử lý kịp thời việc sử dụng ngư cụ cấm, để khai thác thủy sản trái phép trên hồ Dầu Tiếng và sông Vàm Cỏ Đông.
Cho vay vốn, đổi nghề chích điện
Ông ông Lê Văn Khải cho biết: “Chúng tôi sẽ đề xuất cho vay vốn xóa đói giảm nghèo để chuyển đổi nghề cho những hộ chuyên sống bằng nghề chích cá cặp các con sông, rạch nhằm hạn chế, ngăn ngừa tình trạng hủy diệt nguồn lợi thủy sản”.