Khởi hành từ Hà Nội khi đồng hồ chưa điểm 4 giờ, nhưng khi đoàn công tác của Tổng cục Thủy sản đến mặt hồ Núi Cốc, người dân đã kéo gần trọn mẻ lưới cá mè.
Anh Hiếu, trú tại xã Phúc Trìu, huyện Đại Từ, Thái Nguyên là một trong số 150 hộ được hỗ trợ, vận động tham gia mô hình thả cá mè tại hồ Núi Cốc vừa kéo lưới vừa chia sẻ. Từ chỗ ngờ vực nay anh đã hoàn toàn tin vào chuyện chỉ làm một tiếng mỗi ngày, tháng có chục triệu.
Theo anh Hiếu, ban ngày, anh vẫn tham gia công việc làm nông cùng gia đình như bình thường. Xẩm tối, anh mới đến hồ ngủ lại. Khoảng 3-4 giờ sáng, anh cùng một vài người nữa theo phân công sẽ đi kéo lưới, bắt cá dọc đường đăng chạy giữa lòng hồ. Làm đến tờ mờ sáng là cũng vừa hết việc. Anh lên điểm cân, chốt sổ với bên thu mua rồi về nhà.
Với giá thu mua khoảng 5.000 đồng/kg như hiện tại, mỗi ca làm cho anh Hiếu thu nhập từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Trung bình hàng tháng, công việc tại hồ Núi Cốc mang lại cho ngư dân này khoảng 10-15 triệu đồng, cao hơn lương công nhân làm trong khu công nghiệp.
"Cái hay nhất của cách làm này là người dân chúng tôi tự quản lý nhau. Mỗi hộ cử ra một người, chịu trách nhiệm từ đánh bắt, bảo vệ cho đến giám sát. Chúng tôi nhận thức và hiểu rõ rằng, việc nuôi trồng và khai thác cần được thực hiện một cách đúng mức, tránh tận diệt", anh Hiếu nói.
Ông Nguyễn Văn Sáng người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thủy sản nhận thấy tiềm năng thủy sản tại Thái Nguyên. Ảnh: nongnghiep.vn
Hồ Núi Cốc rộng 2.500ha, với hàng trăm đảo lớn nhỏ, xung quanh là rừng, khí hậu ôn hòa, mát mẻ, cách không xa TP. Thái Nguyên và được đánh giá là có tiềm năng du lịch sinh thái, cảnh quan và nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, đến nay hồ Núi Cốc chưa có sản phẩm du lịch xứng tầm nên sinh kế của bà con xung quanh hồ cũng không được ổn định.
Sau quá trình khảo sát, ông Sáng bắt đầu vận động một vài hộ dân xung quanh hồ thả cá mè giống từ mùa thu năm ngoái. Với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà", ông kiên trì tuyên truyền cho bà con về lợi ích của việc thả cá mè so với những phương thức khác.
"Ban đầu cũng khó khăn lắm, bởi đã có một số người thử làm nhưng kết quả không đi tới đâu", ông Sáng nhớ lại. "Nhưng tới giờ, những bà con tham gia đều có thu nhập chục triệu mỗi tháng, cá biệt có hộ đạt tới gần trăm triệu, mọi thứ tự nhiên đi vào lòng người như quy hoạch".
Khác với những loài khác, cá mè sống ở tầng nước nông và ăn chủ yếu là tảo, một loạt thực vật tự dưỡng và gần như có sản lượng vô tận trong những hồ chứa nước lớn như Núi Cốc. Bên cạnh lợi ích kinh tế, cá mè còn khả năng làm sạch môi trường nước giống như một công nhân vệ sinh môi trường.
Theo ông Sáng, nuôi cá mè tại hồ chứa tựa như nuôi hàu ngoài biển, giúp cải tạo nguồn nước một cách triệt để. Hai nút thắt cuối cùng, là về giống và đầu ra, được gỡ bỏ khi người đàn ông trung niên kết nối được một đơn vị chuyên chế biến và xuất khẩu các sản phẩm từ cá mè ra thị trường nước ngoài. Hiện cá mè hồ Núi Cốc sau khi vớt lên, được chở trực tiếp về nhà máy chế biến tại Thái Nguyên để làm ra surimi, chả sụn cùng một số phụ phẩm khác.