Xung quanh vấn đề giảm giá trị xuất khẩu của thủy sản – một trong những mặt hàng mũi nhọn trong lĩnh vực nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trước khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế, tổng cầu giảm rất nhiều, nhiều ngành hàng không có đơn hàng. Nhiều ngành hàng, người lao động chỉ làm việc một số buổi trong tháng, ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động, do đó, nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng giảm. Đây được coi là nguyên nhân chính dẫn đến sụt giảm giá trị xuất khẩu của thủy sản Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhìn nhận xuất khẩu thủy sản tuy giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng mức giảm đang từng bước được thu nhỏ. Trên thực tế, con số này không có ý nghĩa quá tiêu cực, bởi ngành thủy sản Việt Nam đã có sự tăng trưởng đột phá trong năm 2022.
Xu hướng thay đổi của thị trường
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhiều doanh nghiệp thủy sản thông báo kết quả kinh doanh và lợi nhuận sụt giảm từ đầu năm tới nay nhưng vẫn có những mặt hàng tăng trưởng khá như cá khô, cá hộp.
Riêng trong tháng 4/2023, xuất khẩu cá biển khô các loại tăng 65%, đạt gần 26 triệu USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm, sản phẩm này đã thu về gần 78 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá khô của Việt Nam là Trung Quốc chiếm 56%, Nga chiếm 17%, Malaysia chiếm 8%.
Ngoài ra, nhiều thị trường khác cũng tăng nhập khẩu cá khô của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm. Cụ thể: Đài Loan (Trung Quốc) tăng 45%, Rumani tăng 90%, Australia tăng 10%, Lithuania tăng 61%.
Diễn biến xuất khẩu sản phẩm cá khô của Việt Nam đã cho thấy, trong môi trường lạm phát, khi mà giá cả chi phối hành vi mua bán, người tiêu dùng đã thay đổi thói quen. Sản phẩm tươi/sống đang dần dần bị thay thế bằng hàng khô và đóng hộp.
VASEP đưa ra khuyến cáo với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản bên cạnh áp lực phải điều chỉnh giá sao cho hấp dẫn thì cần quan tâm đến gia tăng dịch vụ cho sản phẩm để kích thích nhu cầu. Ví dụ, với sản phẩm cá, nhiều nhà phân phối trên thế giới đang chú trọng cung cấp cá đã cắt khúc, ướp sẵn gia vị, chế biến ăn liền hoặc đóng gói sẵn kèm gia vị và hướng dẫn chế biến…
Tập trung vào thị trường Trung Quốc và Nhật Bản
Ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết: "Tới đây cần đặc biệt chú ý thị trường Trung Quốc vì chúng ta có lợi thế cự ly. Thị trường Nhật Bản vừa có lợi thế cự ly, lại rất tín nhiệm mặt hàng tôm của Việt Nam. Đây sẽ là 2 thị trường trọng điểm".
Ngày 31/5, tại Diễn đàn kết nối giao thương nông lâm thủy sản Việt Nam – Trung Quốc qua tỉnh Vân Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cũng đã ghi nhận nhu cầu nhập khẩu thủy hải sản từ Việt Nam của các doanh nhân Trung Quốc.
Hiện nay, Hải quan Trung Quốc cho phép đăng ký nhập khẩu hải sản thông qua các nền tảng thông minh trên các website; đồng thời lấy mẫu độc lập để kiểm nghiệm, không liên quan và gây tốn chi phí cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Việc kiểm nghiệm các mặt hàng thủy hải sản cũng khác biệt so với các nông sản khác với những tỉ lệ kiểm nghiệm rất hợp lý. Cụ thể, với mặt hàng tôm hùm, Hải quan Trung Quốc đang kiểm nghiệm 8 loại bệnh và vi khuẩn như bệnh đường ruột, đốm trắng, bệnh gan tụy…
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, với tình hình hiện nay cần cơ cấu lại thị trường, mở rộng thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường xúc tiến thương mại với từng đối tượng ngành hàng, từng thị trường. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã phân công cho các lãnh đạo đơn vị tập trung xúc tiến thương mại cho các thị trường truyền thống, tiềm năng như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU… với các sản phẩm Việt Nam đang lợi thế. Đồng thời, đẩy mạnh đàm phán để đa dạng hóa hàng nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang nhiều thị trường.
Để đảm bảo mục tiêu kế hoạch năm 2023 về thủy sản, ngành sẽ kịp thời chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản trước diễn biến của thời tiết, nhu cầu của thị trường. Đồng thời, tiếp tục phối hợp các địa phương triển khai nghiêm các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp.