Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn Trương Quốc Duẩn cho biết, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực ngư - lâm - nông bình quân 8,83%/năm và chiếm đến 28,89% GDP của huyện. Hầu hết diện tích nuôi tôm đều được bà con thả nuôi cá, cua, sò huyết kết hợp trồng rừng, năng suất bình quân mỗi héc-ta đạt khoảng 500 kg. Năm 2014, tổng sản lượng thuỷ sản của huyện đạt 28.178 tấn, năm 2015 ước đạt 33.000 tấn, trong đó có 15.800 tấn tôm, còn lại các loài thuỷ sản khác. Ðặc biệt, trong thời gian gần đây, nhiều hộ dân xã Hàm Rồng, Hàng Vịnh, Ðất Mới, Lâm Hải thực hiện rất thành công mô hình nuôi tôm, sò huyết, lợi nhuận trên 60 triệu đồng/ha; mô hình tôm - cua của bà con xã Hàng Vịnh, Ðất Mới thu nhập trên 50 triệu đồng/ha.
Bỏ kiểu nuôi tôm truyền thống thường xuyên thất bát, ông Nguyễn Thanh Bào, ấp Nhà Chim, xã Lâm Hải chuyển sang nuôi tôm kết hợp với sò huyết, mang lại lợi nhuận cao, kinh tế gia đình ổn định hơn. Gần đây, sau 4 tháng thả nuôi trên diện tích hơn 2 ha, với 100 kg sò giống, ông thu hoạch gần 200 kg sò thương phẩm. Hiện ông đang chuẩn bị đầu tư nuôi vụ mới với diện tích lớn hơn.
Nuôi sò huyết kết hợp trong ao nuôi tôm sú sẽ cho hiệu quả bền vững, đem lại giá trị kinh tế cao, do sò huyết có tính năng lọc chất bã hữu cơ dưới đáy ao, môi trường được cải thiện giúp các loài thuỷ sản như tôm, cá phát triển. Ðó là kinh nghiệm của ông Nguyễn Phương Bằng, ấp 4, xã Hàng Vịnh. Ông nuôi sò huyết kết hợp tôm sú dưới tán rừng khoảng 2 ha, con giống phát triển tốt, không dịch bệnh, lợi nhuận đạt được khá cao ngay trong vụ nuôi đầu tiên.
Sau gần 2 năm tôm nuôi quảng canh cải tiến, hiệu quả cao hơn nuôi tôm truyền thống, ông Nguyễn Văn Vương, ấp 4, xã Hàng Vịnh, chia sẻ: Cách nuôi cũng không khó, chỉ cần cải tạo ao nuôi, xử lý nước và chọn giống tốt. Ðiều quan trọng là ít xổ vuông để nguồn nước ổn định và tránh lấy nước trong thời điểm nông dân cải tạo ao đầm vì nguồn nước dễ bị ô nhiễm. Ngoài ra, trong xử lý nước bằng men vi sinh thường xuất hiện rong, vì vậy nên thả nuôi thêm cá đối vừa tạo được ô-xy trong vuông, vừa tiêu diệt rong.
Ông Trương Quốc Duẩn cho biết thêm: Hiện nay, huyện đang thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, từng bước loại bỏ những mô hình kém hiệu quả, nhân rộng những mô hình phát triển bền vững trong thời gian tới. Ngoài diện tích nuôi tôm công nghiệp, huyện đang chỉ đạo mở rọng, phát triển diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến, tôm sinh thái kết hợp trồng rau màu và cây ăn trái trên bờ vuông. Cùng với con tôm, sò huyết là đối tượng nuôi được nhiều nông dân lựa chọn, bởi hiệu quả kinh tế đem lại giúp bà con nông dân có nguồn thu nhập ổn định hơn.
Ngoài nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất con giống mang lại kinh tế không nhỏ cho người dân. 350 cơ sở sản xuất con giống thuỷ sản, với gần 8.000 bể ươm, hằng năm sản xuất trên 3 tỷ con giống, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu con giống của nông dân.
“Con tôm, cua, cá hay cây đước đều mang lại giá trị kinh tế không nhỏ cho người nông dân. Ða canh kết hợp ứng dụng kỹ thuật cao sẽ giúp nông dân khai thác hiệu quả diện tích đất sản xuất. Trong thời gian tới, Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn sẽ kết hợp mở các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ về kỹ thuật nuôi sò huyết kết hợp nuôi tôm, cua, giúp bà con sản xuất có hiệu quả hơn và nhân rộng mô hình”, ông Duẩn khẳng định./.