Hình thức và đối tượng thả nuôi thủy sản nước ngọt ở Tiền Giang đa dạng, tùy theo đặc điểm từng vùng, tiểu vùng và địa hình như: Nuôi tôm, cá trên ruộng lúa vùng ngập lũ; nuôi cá da trơn trên bãi bồi ven sông Tiền; nuôi cá rô phi dòng Gift và cá điêu hồng lồng bè trên sông Tiền; nuôi ếch, lươn, ba ba lồng ghép trong các mô hình VAC, VACR,...
Nông dân Tiền Giang đã mạnh dạn đầu tư những vùng nuôi thủy sản nước ngọt quan trọng như: Nuôi theo mô hình cá kết hợp với lúa lên đến hàng trăm ha mặt nước ở vùng lũ Cái Bè, 1.195 lồng bè nuôi cá trên sông Tiền có tổng dung tích gần 135.000m3 tập trung ở thành phố Mỹ Tho và các huyện Châu Thành, Cai Lậy; nuôi và ương dưỡng cá giống trong nội đồng khu vực Đồng Tháp Mười (Tiền Giang), hàng trăm ha mặt nước bãi bồi được đưa vào nuôi cá da trơn, để phục vụ ngành công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu...
Đáng chú ý, trong diện tích thả nuôi trên, có 68 ha nuôi cá đạt chứng nhận GAP, trong đó GlobalGAP 6,4 ha, VietGAP 45,99 ha, còn lại đạt chứng nhận ASC. Ngoài ra, tiêu biểu còn có 01 cơ sở có quy mô 20 lồng bè được thả nuôi theo tiêu chí VietGAP, với sản lượng mỗi năm 200 tấn cá thương phẩm. Đây là một hướng đi đúng đắn giúp nâng cao chất lượng nguồn thủy sản nước ngọt phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai.
Theo đánh giá của ngành chức năng, thời gian gần đây, nghề nuôi thủy sản nước ngọt tại Tiền Giang có nhiều khởi sắc là nhờ vào những tiến bộ về kỹ thuật, thuận lợi về đầu ra, thị trường tiêu thụ nên lợi nhuận cao. Điển hình như giá cá tra nguyên liệu trong năm qua liên tục tăng mạnh, có lúc đạt mức kỷ lục từ 32.000 - 34.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Đời, nuôi 20 ha cá da trơn xuất khẩu trên đất bãi bồi ven sông Tiền thuộc xã Tân Phong cho biết, với giá cả như trên, ông có thể lãi đến 10.000 đồng/kg cá tra nguyên liệu. Nghề nuôi cá da trơn xuất khẩu nhờ đó mà có được cơ hội phục hồi, kéo theo sự tăng trưởng vững chắc của nghề ương dưỡng cá tra giống.
Ông Lê Văn Hoàng, ngụ tại xã Thạnh Lộc, có 2 ha ương dưỡng cá tra giống quay mỗi năm 3 vòng, đạt sản lượng khoảng 100 tấn cá tra giống. Ông Hoàng chia sẻ, do giá cá tra thịt tăng nên giá cá giống cũng tăng mạnh bởi nhu cầu nuôi đang lớn. Hiện giá cá tra giống từ 40 đến 45 con/kg đạt từ 60.000 - 70.000 đồng/kg. Năm qua, với 2 ha ương dưỡng cá tra giống, ông thu lãi ròng không dưới 3 tỷ đồng.
Theo ông Âu Văn On, Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá xã Hậu Mỹ Bắc A, nơi được xem là cái nôi của mô hình cá kết hợp với lúa ở tỉnh Tiền Giang, việc ương dưỡng các loại cá giống nước ngọt trên ruộng lúa theo mô hình trên cho nông dân lãi ròng hàng trăm triệu đồng/ha, chưa kể nguồn lợi từ cây lúa. Đây thực sự là những nhân tố có tác động tích cực giúp nông dân Tiền Giang tiếp tục phát huy và khai thác ngày càng tốt hơn tiềm năng nuôi thủy sản nước ngọt trên địa bàn.