Cam Ranh: Phát triển nuôi tôm hùm và bảo vệ môi trường
Với hơn 1.200 hộ đang sống bằng nghề nuôi tôm hùm, hiện cả xã Cam Bình – thành phố Cam Ranh có 4800 lồng nuôi, trở thành địa phương có nghề nuôi tôm hùm rất phát triển. Để đảm bảo hiệu quả nghề nuôi tôm hùm, thời gian qua, Hội nông dân xã cũng đã tổ chức nhiều tổ tự quản, tham gia vào việc bảo vệ môi trường biển.
Từ năm 2013, 16 tổ tự quản nuôi tôm hùm lồng đã cùng với chính quyền địa phương thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường biển. Trong đó, tập trung vận động các hộ nuôi phải xử lý thức ăn thừa của tôm, hạn chế sử dụng túi nilon. Từ đó bảo vệ môi trường biển, nhằm giảm thiệt hại về tình hình dịch bệnh ở tôm. Do nhu cầu phát triển nghề nuôi tôm hùm, năm 2017, xã Cam Bình đã thành lập HTX, gồm có 12 thành viên và có nhiều hoạt động trong việc tạo nguồn vốn ổn định, để hội viên đầu tư sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật nuôi tôm; phối hợp với ngành chức năng thực hiện quan trắc môi trường; đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân, du khách cùng nhau bảo vệ môi trường tại Vịnh Cam Ranh.
Kiên Giang: Thuận lợi cao từ mô hình tôm lúa
Trước đây, nông dân tỉnh Kiên Giang chỉ tập trung trồng lúa với năng suất trên dưới 3 tấn/ha nhưng bây giờ đã chuyển sang mô hình tôm - lúa cho hiệu quả cao. Năng suất nuôi tôm - lúa bình quân khoảng 300 - 500kg/ha tôm và 4-7 tấn lúa. Chi phí sản xuất trung bình 30 - 35 triệu đồng/ha, lãi suất trung bình 35 - 50 triệu đồng/ha/năm tính cả tôm và lúa.
Dự kiến đến năm 2020, phấn đấu đạt năng suất tôm nuôi trong mô hình bình quân 0,38 - 0,5 tấn/ha và năm 2030, diện tích tôm - lúa mở rộng đạt khoảng 90.000ha.
Huế: Nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng do hệ sinh thái suy kiệt
Nghề nuôi cá lồng đã và đang phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nhiều hộ dân ở vùng đầm phá Tam Giang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, trong mùa vụ này, nhiều hộ dân không thể thả con giống, cá giống do nguồn rong rêu cạn kiệt.
Rong rêu tự nhiên trên đầm phá là nguồn thức chính của cá trắm có, thế nhưng hai năm trở lại đây, nguồn rong này cạn kiệt, người dân phải dùng bèo tây và thức ăn bột để nuôi cá, nhưng cá chậm lớn và chất lượng cũng giảm theo. Một số hộ bỏ nuôi, các hộ còn lại cũng giảm số lượng lồng nuôi. Trước đây toàn xã Quảng Thái nuôi khoảng 600 lồng cá trắm cỏ, nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 60 lồng nuôi.
Cần Thơ: Cung cấp 10 triệu con tôm càng xanh trong mùa lũ
Tỉnh Cần Thơ đã củng cố trại tôm giống Long Mỹ và kết hợp với Viện Hải sản Trường Đại học Cần Thơ chuyển giao công nghệ sinh sản nhân tạo tôm càng xanh giống cho các hộ nông dân có điều kiện.
Nhờ vậy, có trên 20 hộ gia đình đã đầu tư hàng tỉ đồng xây dựng trại tôm giống sinh sản nhân tạo, cung cấp trên 10 triệu con tôm càng xanh giống P15 cho nông dân nuôi trong mùa lũ.