Dự án được triển khai đầu tư trên địa bàn 30 xã của 7 huyện trong tỉnh Trà Vinh, với tổng nguồn vốn 518 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn IFAD cho vay ưu đãi 231 tỷ đồng, viện trợ không hoàn lại 126 tỷ đồng, khoản còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước và đóng góp của người dân được hưởng lợi.
Với kinh phí trên, Trà Vinh đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu nguy cơ thiên tai; xây dựng 16 trạm quan trắc độ mặn tự động; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao; thành lập tổ chức tài chính vi mô để hỗ trợ vốn sản xuất cho người nghèo.
Dự kiến, dự án sẽ đem lại lợi ích tối thiểu cho 62.500 người nghèo nông thôn. Mục tiêu của dự án là nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng để ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng sinh kế bền vững cho người nghèo ở nông thôn, đặc biệt là đối với hộ dân tộc Khmer trong điều kiện môi trường thay đổi.
Trà Vinh được dự đoán là tỉnh bị ảnh hưởng sớm và nặng nhất bởi nước biển dâng và xâm nhập mặn. Theo kịch bản biến đổi khí hậu, khi nước biển dâng cao thêm 1m, ước tính khoảng 45,7% diện tích của tỉnh Trà Vinh bị ngập trong nước.
Trong năm năm qua, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải đã bị biển xâm thực sâu vào đất liền từ 500-800m, hơn 120 ha đất ở, đất sản xuất của người dân đã bị nước biển cuốn trôi. Nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và cuộc sống của người dân.