Khu chợ này nằm cách bến Ninh Kiều chừng 200m, từ lâu đã trở thành một trong những “trạm chung chuyển” thuỷ hải sản lớn nhất miền Tây.
Quanh năm suốt tháng, kể cả những ngày Tết, cá tôm vẫn tấp nập theo đường sông, đường bộ đổ về chợ trước khi được thương lái, bạn hàng chuyển đi khắp vùng.
“Vật nhau” với cá
Khoảng 2 giờ sáng, không khí mua bán ở chợ cá Tân An bắt đầu sôi động. Ghe xuồng chở cá nước ngọt của thương lái từ Châu Đốc, Long Xuyên (An Giang), Hồng Ngự, Tân Hồng (Đồng Tháp) đã cập kín cầu tàu sau nhà lồng. Phía trước chợ, xe tải chở cá biển từ Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu cũng nườm nượp đỗ bến.
Cánh bốc vác, tranh thủ nhấp ngụm cà phê đen, rít hơi thuốc cuối cùng trước khi chuyển cá vào chợ. Đến khoảng 2 giờ 30, “giờ cao điểm” bắt đầu. Đây là lúc các ghe xuồng, xe tải đều đồng loạt giao hàng cho các chủ vựa trong chợ Tân An. Cá dưới khoang ghe đục (ghe có đục đường nước để ra vào khoang) như điêu hồng, cá tra, cá lóc, rô phi… được lùa vào cần xé. Sau đó, những người bốc vác, chia thành cặp hì hục gánh từng cần xé lên bờ.
Mỗi đêm cánh bốc vác ở chợ vận chuyển khoảng 50 tấn cá, tôm các loại
Cá lên vựa được đổ vào những bồn lớn có sục khí oxy để nhân công lội vào phân loại lớn nhỏ. Bà Võ Thị Hết, chủ vựa cá đồng hơn 30 năm bán ở chợ cá, vất vả “vật lộn” với những con cá tra nặng từ 4 – 5kg mới có thể đưa chúng vào những thùng dành cho cá to.
Cạnh đó, hơn chục nhân công của vựa cá Hiếu Huệ cũng luôn tay, xúc cá phân loại hàng tấn cá điêu hồng, cá he, rô phi. “Mỗi đêm chúng tôi phải phân loại và bán cho bạn hàng từ 4 -5 tấn cá thế này”, anh Nguyễn Thanh Hiếu, chủ vựa cá Hiếu Huệ vừa cân cá cho bạn hàng vừa nói.
Tôm sú Cà Mau chuyển về chợ Tân An
Phía đối diện, những vựa hải sản như của ông Lê Thanh Tâm các loại tôm, sú, mực cũng chất cao thành đống để bạn hàng lựa chọn. Riêng ở vựa cá biển, do đã được ướp nước đá và chuyển theo từng két (1 két 12kg) nên cả người mua và người bán đỡ cực hơn khi chọn hàng.
Ghe xuồng đậu kín bến tàu chợ Tân An để chờ lên hàng bình quân mỗi đêm khoảng 50 tấn
Bạn hàng khắp nơi, từ quận huyện của Cần Thơ, các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Bạc Liêu càng lúc càng đông. Chợ Tân An như sôi sục trong những âm thanh hỗn độn của tiếng rao, tiếng cười nói rôm rả với bạn hàng, tiếng hô tránh đường của bốc vác, tiếng nước chảy rào rào từ bồn chứa… Cá nhảy, cá quẫy khắp nơi, nước văng tung toé. Kẻ bán, người mua đều ướt sũng nhưng ai cũng khẩn trương để kịp đưa cá về những phiên chợ xa vào sớm mai.
Cả năm nghỉ mỗi đêm giao thừa
Gần 5 giờ 30 sáng, chợ vãn hàng, các vựa cá ngồi thở nghỉ mệt. Chị Trương Mỹ Loan, chủ vựa cá biển ở chợ Tân An cho biết, chị không nhớ rõ bán ở chợ bao nhiêu năm rồi. Chỉ biết, từ đời bà nội đến cha của chị đã bán cá ở đây và bây giờ tới chị vẫn nối nghiệp gia đình.
Cân cá cho bạn hàng
Hằng đêm, chị Loan lấy cá biển từ Rạch Giá (Kiên Giang), Cà Mau, Tiền Giang như bạc má, nục, ngừ, hường, lưỡi trâu... Rồi bỏ sỉ cho các bạn hàng là tiểu thương ở các chợ bán lẻ trong vùng.
“Theo bà Đặng Kim Chi, chủ vựa cua biển, tôm sú, nghề bán tôm cá là bận rộn “vô đối” vì muốn nghỉ một ngày cũng không không được.
Cũng theo bà Chi, dù vất vả, cực nhọc, nhưng cuộc sống ở vựa cá miền Tây cũng không phụ ai. Làm nhiều hưởng nhiều, nên đời sống của dân vựa cá đều khá đủ đầy, con cái nhà nào cũng được ăn học đàng hoàng, thậm chí như gia đình bà còn cho con đi du học nước ngoài.
6 giờ sáng, một đêm trắng vất vả lại qua đi, bạn hàng mua sỉ đã hết, các chủ vựa kết sổ trước khi trở về nhà nghỉ đến chiều. Lúc này, những sạp hàng bán lẻ phía trên nhà lồng chợ đã buôn bán rôm rả, rau củ, quả, thực phẩm, cá tôm tươi không thiếu thứ gì. Cứ thế, đêm bán sỉ, ngày bán lẻ, quanh năm, suốt tháng, kể cả ngày Tết, chợ Tân An chưa bao giờ nghỉ.
Theo Công ty Cổ phần thương nghiệp Cần Thơ, đơn vị quản lý chợ Tân An cho biết, chợ Tân An có khoảng 500 vựa, lô, sạp kinh doanh; trong đó nhộn nhịp nhất là thuỷ sản.
Mỗi đêm, chợ bán ra khoảng 50 tấn thuỷ hải sản các loại. Hằng năm, dịp tết Nguyên đán, chợ tham gia bình ổn mặt hàng thuỷ sản với lượng hàng dự trữ bình quân 600 tấn/tháng, trị giá gần 20 tỉ đồng.