Hiệu quả bước đầu
Hàu TBD đang là đối tượng nuôi mới được nhiều người nhắm tới. Ông Lê Văn Năm (thôn Ngọc Diêm, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa) đang thực hiện đề tài nuôi hàu TBD của Viện Nuôi trồng thủy sản (NTTS) 3 cho biết: “Nuôi hàu không phải chạy lo thức ăn như tôm, cá. Hàu sử dụng thức ăn rong, tảo, mùn bã hữu cơ trong nước, làm sạch môi trường, lại phát triển nhanh”. Nuôi 1.000 dây hàu giống (8 vỏ/dây) từ tháng 10-2011, đến nay, ông Năm đã phát triển hàng ngàn rổ hàu thương phẩm, thu nhập hàng chục triệu đồng. Theo ông Năm, nuôi hàu TBD không khó, chỉ tốn công làm vệ sinh hàng ngày. Từ 1.000 dây hàu giống, hơn 3 tháng sau, ông Năm nhân ra 900 rổ (mỗi rổ 3kg). Sau 8 tháng nuôi, thu hoạch 3 lần, ông Năm thu về hơn 70 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Với giá bán 26.000 - 30.000 đồng/kg, tiền lãi mà ông thu được gấp 4 - 5 lần so với vốn đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Mạnh (thôn Ngọc Diêm, xã Ninh Ích) cũng là một trong những người nuôi hàu TBD từ Viện NTTS 3 chuyển giao. Từ 300 dây giống hàu ban đầu, ông Mạnh đã phát triển hơn 600 rổ. Bình quân, 100 dây nhân ra hơn 200 rổ (5 - 6 kg/rổ). Ông Mạnh vừa bán lứa hàu với 0,6 tấn, giá 22.000 đồng/kg, thu 12 triệu đồng. Ông cho biết, nuôi hàu vất vả ở việc vệ sinh, nhưng hiện nay đã được cải tiến nhờ sử dụng máy nổ, gắn đầu hơi phun xịt làm vệ sinh vỏ hàu.
Nhiều triển vọng
Thạc sĩ Phùng Bảy - Viện NTTS 3 cho biết, hàu TBD có nguồn gốc từ Nhật Bản, tốc độ sinh trưởng nhanh, khả năng phân bổ rộng. Đây là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế và xuất khẩu cao. Hiện nay, hàu TBD đã được nuôi tại 64 nước trên thế giới như: Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan, Pháp, Mỹ, Canada… Các vùng bãi triều ít sóng gió là nơi có thể nuôi hàu TBD.
Theo ông Bảy, Việt Nam không có loài hàu này phân bố tự nhiên. Do vậy, so với các loài hàu bản địa và động vật thân mềm khác đang được nuôi ở nước ta, hàu TBD có ưu thế về kích thước, khối lượng cơ thể lớn, tốc độ phát triển nhanh, giá trị kinh tế và xuất khẩu cao, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước rất lớn. Hiện nay, hàu TBD được xem là đối tượng lý tưởng để thay thế các loài bản địa. Do hàu TBD không phân bổ tự nhiên ở Việt Nam nên việc nuôi hàu phụ thuộc hoàn toàn vào con giống sản xuất nhân tạo. Chính vì vậy, việc đưa ra các giải pháp nuôi thích hợp, nuôi tập trung với con giống từ sản xuất nhân tạo cũng cần được quan tâm để nghề nuôi hàu TBD phát triển mạnh, cung ứng sản lượng lớn để xuất khẩu…
Theo ông Năm, đầu ra của hàu tại Khánh Hòa khá thuận lợi, số lượng ít có thể bán cho thương lái tại chỗ. Ông Năm đang có đối tác tại tỉnh Bình Định thu mua hàu để sản xuất mỹ phẩm. Tuy nhiên, việc nuôi ồ ạt, số lượng lớn cần được nghiên cứu thêm để tránh tình trạng dội chợ…