Hàng ngàn người nuôi tôm, cá ở đây như đang ngồi trên đống lửa, bởi chính quyền tỉnh Khánh Hòa, thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An (Phú Yên) đều từ chối tiếp nhận bè tôm ở Vũng Rô! “Vịnh tôm” Vũng Rô với gần mười ngàn lồng nằm ken dày trước biển như… “đứa con” vô thừa nhận không biết sẽ di chuyển đi đâu, về đâu?
“Dậy sóng” vịnh tôm
Khi những đợt áp thấp nhiệt đới hoành hành trên biển Đông, vịnh Vũng Rô nằm dưới chân đèo Cả và núi Đá Bia, cũng hứng chịu những cơn gió thông thốc và mưa triền miên. Không khí trở nên ảm đạm, mặt biển xám xịt. Lòng người ở đây cũng... buồn thiu, sụt sùi theo mưa. Họ vừa lo thời tiết mưa bão, biển dậy sóng ảnh hưởng đến những bè tôm tiền tỉ, vừa ngay ngáy lo chuyện bị “đuổi” khỏi “vịnh tôm” Vũng Rô trước tháng 10 sắp tới.
Ông Mười Hổ trầm ngâm tâm sự, mười mấy năm nay, gần 40 hộ dân với cả trăm lao động là người dân Vạn Ninh bám trụ nuôi tôm, cá chiếm 1/10 số lồng bè ở vịnh này. Từ tháng 6.2012, UBND tỉnh Phú Yên có thông báo vịnh Vũng Rô đã được quy hoạch xây dựng cảng biển tổng hợp chuyên cho sản phẩm dầu, container và “bắt buộc” các doanh nghiệp và hộ dân nuôi thủy sản trong vịnh phải dừng việc đầu tư mới và tự tháo dỡ di dời lồng, bè, trả lại mặt nước trước tháng 10.2013.
Mọi người đều chấp hành chứ không phản đối, nhưng khổ nỗi cả gia nghiệp với vốn liếng tiền tỉ đã dốc sạch vào lồng bè, giờ biết di dời về đâu? “Nếu đưa bè về quê với biển bãi ngang thì không thể “trụ” trong mùa đông dông bão; còn kéo bè vào đầm Môn hay vịnh Vân Phong (Khánh Hòa), thì chính quyền địa phương bắt xử phạt và không tiếp nhận. Tình cảnh này chắc trắng tay trong nay mai thôi!” - ông Mười Hổ thở dài thườn thượt.
Nỗi lo của ông Mười Hổ cũng là nỗi trăn trở từng ngày, từng giờ của khoảng 400 hộ ngư dân khác với 688 lao động đang nuôi tôm hùm, cá ở Vũng Rô. Vịnh Vũng Rô có diện tích mặt nước khoảng 1.640ha, với số lồng bè nuôi thủy sản tự phát lên đến 366 bè/8.924 ô lồng.
Hiện việc di dời lồng bè ra khỏi khu vực Vũng Rô đang gặp nhiều trở ngại, khó khăn. Dù UBND huyện Đông Hòa đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND TX. Sông Cầu và huyện Tuy An tiếp nhận lồng bè thủy sản từ Vũng Rô về vùng nuôi Lao Mái Nhà (xã An Hải, Tuy An) và các vùng nuôi ở vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông (thị xã Sông Cầu), nhưng đến nay các địa phương này vẫn không đồng ý!
“Tiệt” đường sống của dân Vũng Rô
“Vịnh tôm” Vũng Rô đã tồn tại ngót nghét gần 20 năm. Và ở ngay vịnh Vũng Rô có đến 192 hộ dân trong tổng số 376 hộ trong thôn Vũng Rô thuộc xã Hòa Xuân Nam (huyện Đông Hòa) đã ổn định cuộc sống nhờ nghề nuôi tôm hùm ở vịnh này. Theo ông Đào Thái Cường - Trưởng thôn Vũng Rô - dân trong thôn đã phát triển được 137 bè/2.245 ô lồng, chiếm 26% số ô lồng trong vùng nuôi.
Hiện giá tôm đang tăng, nhưng bà con vẫn buồn rười rượi, vẫn nháo nhác, hoang mang trước viễn cảnh phải tháo dỡ lồng bè đem bán... nhôm nhựa và vỡ nợ. Bởi lẽ tỉnh, huyện đang vận động các hộ dân ở các tỉnh Khánh Hòa, thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An có lồng bè nuôi ở Vũng Rô thì di dời về địa phương của mình. Còn đối với bè tôm của dân ở thôn Vũng Rô cũng buộc di dời nhưng huyện hoàn toàn không quy hoạch bất cứ vùng nuôi nào!
Thực tế, ngoài các bãi Bàng, Lau, Hương, Chính, Ngà... tại vịnh Vũng Rô nước sâu, tương đối kín gió, ở vùng ven biển huyện Đông Hòa không còn mặt nước thuận tiện để bố trí cho việc nuôi thủy sản.
Buổi trưa, mưa giăng mắc, ngư dân Nguyễn Văn Lộc ở thôn Vũng Rô dùng thuyền đưa chúng tôi ra thăm bè tôm hùm ở khu vực bãi Ngà. Gia đình ông Lộc “hái lộc” từ nghề nuôi tôm hùm và trở thành tỉ phú ở thôn biển vốn nghèo khó này.
Vừa kéo lồng vệ sinh, vừa cho tôm ăn, ông Lộc cho hay, năm vừa rồi ông dốc tất cả vốn và vay thêm ngân hàng mấy tỉ bạc để nuôi 4.000 con tôm hùm và gần 1.000 con cá bớp. Riêng khoản đầu tư bè với 123 lồng đã ngốn trên 500 triệu đồng. Hiện tôm, cá đang phát triển tốt.
“Nếu di dời thì các địa phương khác không tiếp nhận, còn tháo dỡ lồng bè, bán tôm, cá... non thì không chỉ có tôi mà tất cả người nuôi ở đây đều lỗ nặng. Bà con không muốn vì chuyện di dời lồng bè sắp tới mà mình bỗng chốc bị phá sản và trở thành “con nợ” của ngân hàng, bế tắc nguồn mưu sinh của gia đình!” - ông Lộc bộc bạch.
Người dân buồn bã vì phải di dời hoặc tháo dỡ bè tôm gây thiệt hại kinh tế.
Lặng lẽ dời bè vẫn không trôi!
Tỉnh Phú Yên đang quyết liệt “giải phẫu” tất thảy lồng bè nuôi thủy sản tại Vũng Rô, trong khi các địa phương khác từ chối tiếp nhận lồng bè! Trước nghịch cảnh đầy cam go, khó khăn này, thời gian qua, nhiều hộ dân đã lén lút di chuyển bè đến các vùng quy hoạch nuôi tôm lân cận nhưng vẫn không... trôi!
Hôm rồi có 2 bè tôm của ông Nhiệm Kỳ và Hai Hoan (dân Tuy An, Phú Yên) kéo vô đầm Môn, xã Vạn Thạnh, Vạn Ninh (Khánh Hòa), nhưng bị chính quyền địa phương bắt phạt và trục xuất khỏi đầm Môn. Để sớm có “bến đỗ” nuôi tôm an toàn, nhiều người dân Sông Cầu cũng lặng lẽ, lần lượt di dời 40 lồng bè ở Vũng Rô đến vịnh Xuân Đài. Song nhân dân địa phương cũng phản ứng dữ dội, yêu cầu chính quyền xử lý, ngăn cấm triệt để tình trạng này.
Mới đây, tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh, ông Phạm Kiên - Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu - đã bức xúc lên tiếng, hiện lồng nuôi tôm hùm ở các vùng biển thị xã Sông Cầu đã quá tải, có mật độ rất dày, môi trường nuôi đang ngày càng ô nhiễm nặng. Từ năm 2009 đến nay, tình trạng dịch bệnh tôm hùm nuôi thường xảy ra trên diện rộng gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi.
“Nếu thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của tỉnh về tiếp nhận bè tôm Vũng Rô, thì môi trường vùng nuôi sẽ thêm ô nhiễm, rác thải xuống vịnh Xuân Đài thêm trầm trọng làm gia tăng dịch bệnh; chưa kể việc nảy sinh tranh chấp vùng nuôi dẫn đến mất an ninh trật tự. Trong khi Sở NNPTNT tỉnh chưa có hướng giải quyết và quan điểm rõ ràng trong việc quy hoạch mặt nước cho lồng bè Vũng Rô di dời đến.
Đây sẽ là “thảm họa” cho nghề nuôi tôm hùm lồng của địa phương Sông Cầu. Do vậy, thị xã Sông Cầu đã có văn bản gửi Sở NNPTNT không đồng ý cho lồng bè tôm ở Vũng Rô di chuyển đến Sông Cầu, để đảm bảo khống chế số lượng lồng nuôi tôm hùm trên địa bàn thị xã khoảng 16.000 lồng” - ông Kiên nói.
Từ lâu, vịnh Vũng Rô được quy hoạch cho phát triển cảng cửa khẩu và an ninh quốc phòng, chứ hoàn toàn không cho phép nuôi trồng thủy sản. Song, trong suốt thời gian dài, chính quyền địa phương không hề quản lý hay ngăn cấm khi người dân vẫn ồ ạt nuôi tôm, cá, thậm chí người nước ngoài cũng được cho phép nuôi thủy sản trong vịnh.
Bây giờ, “lệnh” thời hạn chấm dứt giải tỏa lồng bè Vũng Rô, do UBND tỉnh ban hành, đã cận kề, chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều phức tạp khó lường. Ông Nguyễn Tài - Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa - khẳng định: “Lồng bè nào không di dời được nơi khác thì cũng phải tháo dỡ để trả lại mặt nước phục vụ cho cảng biển”.
Theo ông Đào Thái Cường - trưởng thôn Vũng Rô - mỗi lồng bè với giàn lưới, phao, trại... đầu tư ít nhất từ 100 triệu đến 500 triệu đồng. Nếu buộc phải tự giác tháo dỡ lồng bè đưa lên bờ, thì dân mất đứt hàng chục tỉ đồng, đấy là chưa tính mức thiệt hại của con giống thủy sản lên đến hàng trăm tỉ đồng!
Di dời lồng bè Vũng Rô là không thể trì hoãn, nhưng cũng cần có lộ trình dài hạn, có chính sách hỗ trợ kinh phí, có quy hoạch hẳn hoi vùng nuôi trồng thuận tiện ở nơi khác... Tôi không khỏi xót xa khi ngồi trên bè tôm, ông Văn Sáu - người cùng thôn Vũng Rô - nói rằng, mấy mươi năm nay bà con quen sinh sống bằng nghề nuôi trồng trong vịnh. Giờ cấm nuôi, mất trắng tiền tỉ, mất nghề, mất nguồn sống, thế chẳng khác nào “tiệt” đường sống của hàng trăm hộ dân ở Vũng Rô cả... Đây cũng là một bài học sâu sắc đối với người dân khi đã không đắn đo đổ tiền tỉ đầu tư vào mặt nước của cảng quốc phòng!
Tỉnh không giải quyết? Ông Lê Văn Trúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, khẳng định: “Dân ở địa phương nào thì dời lồng bè ở Vũng Rô về lại địa phương đó. Còn việc nơi nuôi trồng mới có chấp nhận cho họ nuôi hay không phụ thuộc vào chủ tịch các huyện, UBND tỉnh Phú Yên không giải quyết! Ngoài ra, các hộ nuôi phải tự tháo dỡ hoặc di chuyển lồng bè để hoàn trả mặt nước cho cảng Vũng Rô mà không có bất kỳ một khoản bồi thường nào”.