Với mục tiêu nhằm tận dụng triệt để nguồn thức ăn sẵn có và chất thải của các loài cá hỗ trợ làm thức ăn cho nhau ở trong ao, bên cạnh đó còn tận dụng thức ăn sẵn có là các phụ phế phẩm dư thừa của gia đình cũng như phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho cá, từ đó mang lại hiệu quả về kinh tế, giảm dịch bệnh, cải thiện môi trường ao nuôi. Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu triển khai mô hình nuôi lồng ghép cá rô phi là chính tại hộ ông Lê Đức Viếng, ấp Gò Sầm, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ.
Mô hình triển khai trên diện tích 5.000 m2, hộ tham gia mô hình được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cá nước ngọt, cách phòng chống một số bệnh ở cá; được hỗ trợ 100% cá giống gồm các loại (cá rô phi, cá trắm cỏ, cá chép, cá mè); hỗ trợ 30% (thức ăn công nghiệp, vôi, thuốc phòng trị bệnh). Ngoài ra, cán bộ kỹ thuật thường xuyên hướng dẫn người dân vệ sinh ao cá, cách phòng chống dịch bệnh và dùng thuốc kháng sinh phòng trừ khi cần thiết. Nhờ đó, đàn cá tăng trưởng tốt, phù hợp với điều kiện ao nuôi, nguồn nước và phù hợp với trình độ sản xuất của người nuôi.
Sau hơn 4 tháng nuôi, đến nay mô hình đã đạt được một số kết quả nhất định, đàn cá sinh trưởng và phát triển tốt, trọng lượng trung bình của cá đạt 500 g/con, tỷ lệ sống 95%. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được ước trên 50 triệu đồng.
Ông Đặng Văn Long - cán bộ Trạm Khuyến nông - khuyến ngư Đất Đỏ cho biết: “Nuôi lồng ghép cá rô phi là đối tượng chính dễ nuôi, ngoài việc sử dụng thức ăn công nghiệp cá rô phi còn sử dụng hiệu quả nguồn thức ăn tự nhiên trong ao, từ đó làm giảm hệ số chuyển đổi thức ăn, tăng hiệu quả kinh tế, giúp người dân tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình”.
Mô hình nuôi lồng ghép cá rô phi là chính thực hiện thành công là cơ sở nhân rộng đối với cá hộ dân nuôi cá nước ngọt tại địa phương có nguồn thức ăn tận dụng dồi dào hoặc những hộ có diện tích mặt nước nuôi lớn mà hạn chế về tài chính… từ đó giúp các hộ nuôi cá nước ngọt tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.