Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông nghèo lại đông con, nên từ lúc 15 tuổi ông Mai phải bươm chải để giúp gia đình lo cho các em bằng nghề chạy đò mướn. Nhờ việc chạy đò khấm khá, ông tích cóp dần sắm thêm thùng tuốt lúa, máy cày nhỏ để phục vụ sản xuất nông nghiệp cho bà con địa phương. Năm 2001 khi phong trào nuôi cá sấu bắt đầu phát triển, ông Mai mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại nuôi thử nghiệm 100 con cá sấu thương phẩm trên diện tích 98m2. Giá cá sấu thời điểm đó rất cao 160.000 đồng/kg, lợi nhuận mang về rất lớn. Không bỏ lỡ cơ hội, bằng kinh nghiệm nuôi thành công cá sấu thương phẩm, năm 2001 ông mở rộng trang trại nuôi 1.600 con trên diện tích 3.600m2. Sau nhiều thành công nối tiếp đến năm 2009 ông đã dành toàn bộ 3 ha đất sản xuất nông nghiệp mở rộng việc nuôi cá sấu, nâng tổng đàn cá sấu là 25.000 con.
Để nuôi thành công cá sấu, ông mầy mò tìm kiếm, học hỏi kinh nghiệm từ những người quen làm bác sĩ thú y và qua thông tin trên sách báo. Nhờ tính chịu khó cần cù, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, đàn cá sấu phát triển tốt.
Qua nhiều năm gắn bó với nghề, ông Mai đã đúc kết được qui trình nuôi cá sấu, ông nhiệt tình hướng dẫn cách xây dựng chuồng trại, cho ăn, quản lý, chăm sóc và phòng trị bệnh cho bà con nông dân quanh vùng.
Ngoài nuôi thương phẩm, ông còn nuôi cá sấu sinh sản, trang trại có 600 con cá sấu sinh sản, cá mẹ đẻ từ 35 – 40 trứng/lứa, sau thời gian ấp là 70 - 75 ngày, cá nở đạt tỷ lệ 70 – 80%. Theo ông, trong quá trình nuôi phải phòng bệnh kỹ. Cá sấu được chăm sóc tốt rất ít khi bị bệnh, định kỳ trộn vitamin C, men tiêu hóa để tăng sức đề kháng và giúp cá dễ tiêu hóa thức ăn; Định kì dùng Virkon để sát trùng chuồng trại 1 tháng/lần. Để dễ quản lý mỗi ô chuồng nuôi ông đều có sổ nhật kí để ghi lại các chỉ tiêu theo dõi hàng ngày, tình trạng phát triển của cá…
Trên diện tích 3ha, ngoài bố trí 200 ô chuồng lớn nhỏ khác nhau để nuôi cá sấu các loại, ông đã hình thành mô hình sản xuất khép kín mang tính bền vững và bảo vệ môi trường cụ thể: Trang trại còn dành riêng 6.400m2 để làm ao lắng, ao xử lý nước và ao nuôi cá rô phi dùng làm thức ăn cho cá sấu. Các chuồng nuôi đều được bố trí hệ thống cấp và thoát nước riêng biệt, nước xả từ các ô chuồng theo mương dẫn xuống ao chứa nước, sau đó sử dụng chế phẩm EM để xử lý trong 15 ngày, đưa vào ao nuôi cá phi, phân cá sấu được xử lý làm phân bón cho cây ăn trái. Ông còn nuôi thêm đàn heo khoảng 20 con để tận dụng triệt để nguồn thức ăn thừa của cá sấu. Để hạn chế vấn đề dịch bệnh từ nguồn thức ăn tươi sống, ông cùng công ty Thức ăn chăn nuôi Bạc Liêu đang nghiên cứu xây dựng qui trình sản xuất thức ăn công nghiệp phục vụ cho việc chăn nuôi cá sấu.
Qua việc chăn nuôi thương phẩm, sinh sản cá sấu, hàng năm trang trại ông Mai đã cung cấp hàng ngàn cá sấu con và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân trong và ngoài tỉnh. Song song với việc sản xuất con giống cung cấp thị trường nội địa, ông còn đẩy mạnh xuất khẩu cá sấu thương phẩm sang thị trường Trung Quốc, doanh thu hàng năm trên chục tỷ đồng.
Trải qua tuổi thơ nghèo khó, không có điều kiện học hành nên ở ông luôn có sự đồng cảm với những người có hoàn cảnh nghèo khó, ông là mạnh thường quân đóng góp quỹ giúp đở trẻ em nghèo hiếu học, tham gia đóng góp tích cực quỹ vì người nghèo, đóng góp xây dựng nhà tình thương, quỹ an sinh xã hội. Năm 2009 ông đóng góp trên 50 triệu đồng.
Với những đóng góp cho quê mình, ông Trương Thanh Mai được Sở NN & PTNT Bạc Liêu đề cử đại diện nông dân sản xuất giỏi, có thành tích tiêu biểu, tích cực tham gia trong sản xuất dự Đại hội thi đua yêu nước Ngành lần thứ III tại Hà Nội.