Thực trạng này đe dọa nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái, gây ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân làm nghề đánh bắt và khai thác trên vùng đầm phá.
Trước thực trạng trên, tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với Trường Đại học Khoa học Huế thực hiện đề tài "Nghiên cứu ứng dụng bộ mô hình MIKE dự báo theo thời gian thực biến đổi của chế độ thủy văn và môi trường nước phục vụ cho phát triển bền vững kinh tế-xã hội vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai."
Bằng phương pháp tiếp cận đa mục tiêu (thủy văn-sinh thái-kinh tế-xã hội-môi trường), tỉnh đã xây dựng được mô hình dự báo chất lượng nước trên nền mô hình MIKE (ứng dụng mô hình toán học dự báo xu thế biến đổi chất lượng nước), mở ra hướng mới trong việc nghiên cứu dự báo sự thay đổi dòng chảy và chất lượng nước trên lưu vực sông Hương và đầm phá Tam Giang-Cầu Hai.
Đồng thời, MIKE cũng làm cơ sở cho các nhà quản lý, nhà đầu tư có tầm nhìn chiến lược lâu dài trong công tác quy hoạch đối với các lưu vực sông Hương và đầm phá Tam Giang-Cầu Hai.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai thực hiện xây dựng 13 khu bảo vệ thủy sản trên đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, với tổng diện tích bảo vệ nghiêm ngặt hơn 186ha đồng thời tiến hành quy hoạch, giải tỏa, sắp xếp nò sáo trên toàn vùng đầm phá; trao quyền quản lý mặt nước cho các chi hội nghề cá nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ bãi giống, bãi đẻ, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Huyện Quảng Điền giao cho 14 chi hội nghề cá ở các địa phương quản lý, bảo vệ, xây dựng quy chế hoạt động, phân định phạm vi khai thác đánh bắt nguồn lợi thủy sản cho từng loại nghề trên diện tích hơn 3.000ha diện tích mặt nước đầm phá Tam Giang-Cầu Hai.
Tình trạng khai thác ồ ạt nguồn lợi thủy sản trên đầm phá Tam Giang-Cầu Hai hiện không còn xảy ra, nguồn lợi thủy sản dần được tái tạo. Ở đây, ngư dân được hướng dẫn về phương pháp bảo vệ, bảo tồn và tái tạo nguồn lợi thủy sản, trong đó có thả một lượng lớn cá dìa giống vào môi trường tự nhiên.
Việc bảo vệ nghiêm ngặt khu bảo vệ thủy sản tạo điều kiện các loại thảm thực vật, rong, cỏ... phát triển tốt. Đây chính là nguồn thức ăn và là nơi trú ẩn của các loại cá. Riêng tại các khu bảo vệ thủy sản Vũng Mệ xã Quảng Lợi và Cồn Máy bay xã Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền), ngư dân vừa nâng cao ý thức bảo tồn đa dạng sinh học, vừa có thêm thu nhập từ hoạt động khai thác các nguồn lợi thủy sản mang lại.
Kết quả sau mỗi vụ thu hoạch, cộng đồng ngư dân địa phương quanh khu bảo vệ thủy sản Vũng Mệ và Cồn Máy bay đã thu lợi được vài trăm triệu đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đang khuyến khích phát triển các nghề thân thiện với môi trường như nuôi rong câu, nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Đối với các hoạt động du lịch sinh thái trong các khu bảo vệ thủy sản, tỉnh cho phép các địa phương tổ chức khai thác khi có sự tham gia và giám sát của cộng đồng ngư dân địa phương…
Hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai có diện tích hơn 22.000ha, lớn nhất Đông Nam Á. Trong vùng có 45 xã thuộc 5 huyện, thị xã (Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc), với gần 415.000 người sinh sống, bằng 36% dân số của toàn tỉnh.
Đây là vùng đầm phá vừa có diện tích lớn, vừa có tính đa dạng sinh học cao ở cả ba cấp độ sinh thái, loài và nguồn gen; có ý nghĩa lớn trong việc dự trữ sinh quyển, duy trì, bảo tồn đa dạng sinh học; đồng thời là vùng xung yếu về môi trường, nhạy cảm về sinh thái, nhất là đối với việc phát triển các ngành du lịch, nông nghiệp và thủy sản./.