Theo nhiều dân ở (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, tục làm nem cá trong ngày Tết của đồng bào dân tộc Thái nơi đây đã có từ rất lâu. Hàng năm cứ vào những ngày cận Tết là nhiều người lại bắt tay vào công việc làm nem.
Những ngày cận Tết là nhiều người lại bắt tay vào công việc làm nem ca. Ảnh: laodong.vn
Bà Ngân Thị Phế (68 tuổi, trú tại khu 5, thị trấn Sơn Lư, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, tục lệ làm nem cá của người đồng bào dân tộc Thái nơi đây đã có từ xa xưa, từ đời này truyền sang đời khác. Nem cá được người dân làm trước dịp Tết Nguyên đán hàng năm để cúng tổ tiên và dùng trong các đám cưới hỏi.
Chia sẻ về tục lệ làm nem cá, ông Vi Văn Niêm (62 tuổi, trú tại thị trấn Sơn Lư, huyện Quan Sơn) cho biết, năm nào cũng vậy, cứ độ tháng 12 Âm lịch là gia đình ông lại chuẩn bị làm món nem cá để kịp cho dịp Tết.
Cũng theo ông Niêm, trước đây hầu hết các gia đình người dân tộc Thái ở đây đều dùng nguyên liệu là cá Mại Mại (một loại cá đặc sản trong vùng). Tuy nhiên, những năm trở lại đây, loài cá này không còn bắt được nhiều, nên người dân chuyển sang dùng loài cá trắm (trong lượng khoảng 4 đến 5kg/1con) để làm nem cá.
Cá được xử lý cầu kỳ và trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Ảnh: laodong.vn
Được biết, cách làm nem cá có phần cầu kỳ và trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Cá sau khi lọc hết xương, sẽ được thái ra thành từng miếng nhỏ. Sau đó mang đi ướp muối (loại muối hạt to), và để thịt cá ráo nước trong khoảng 4 đến 5 giờ đồng hồ.
Trong khoảng thời gian chờ thịt cá ráo nước, người dân phải chuẩn bị rang và xay thính (thính làm bằng ngô hoặc gạo nếp).
Sau khi thịt cá ráo nước, sẽ được rắc đều thính sao cho phủ kín từng miếng cá. Rồi tiến hành bỏ cá vào ống để ủ chua.
Rắc thính cá rồi tiến hành bỏ vào ủ chua. Ảnh: laodong.vn
Kể từ khi bỏ cá vào ống, trong thời gian từ 7 đến 10 ngày là cá chín và có thể mang ra ăn. Với món nem cá sau khi chín, vẫn có thể bảo quản và sử dụng trong khoảng thời gian hơn 1 tháng.
Ông Chu Đình Trọng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết, món cá muối (hay còn gọi là nem cá) đã tồn tại, gắn bó bao đời nay với đồng bào dân tộc Thái nơi đây. Với món ăn này, người dân thường làm dịp trước Tết Nguyên đán, trong những đám cưới hỏi và trở thành nét văn hóa đặc sắc.
Cũng theo ông Chu Đình Trọng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, những năm trở lại đây, địa phương đón khá nhiều du khách đến tham quan, khám phá các điểm du lịch nổi tiếng của huyện như Động Bo Cúng (khu động lớn nhất xứ Thanh), bản du lịch cộng đồng (bản Ngàm, xã Sơn Điện)…
Vậy nên trong tương lai, nếu xây dựng, phát triển món nem cá trở thành món đặc sản của địa phương là điều rất tốt. Bởi ngoài lưu giữ được nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Thái nơi đây, còn tạo ra một sản phẩm du lịch, món quà lưu niệm khi du khách đến với địa phương.