Đây cũng là định hướng phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới theo hướng chuyển từ thâm canh truyền thống sang cơ giới hóa và dần chuyển sang tự động hóa, hình thành các vùng nuôi chuyên canh công nghệ cao. Nổi bật nhất là mô hình nuôi tôm nước lợ tại H.Long Thành, H.Nhơn Trạch đang chuyển đổi mạnh mẽ từ hình thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến lên bán thâm canh và thâm canh. Các hộ nuôi tôm ngày càng mạnh dạn đầu tư vốn, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nhằm giảm rủi ro dịch bệnh, vừa tăng năng suất, chất lượng con tôm nuôi.
Ông Nguyễn Trường Đại, chủ trại nuôi tôm tại xã Vĩnh Thanh (H.Nhơn Trạch) là nông dân đi tiên phong tại địa phương trong chuyển đổi từ nuôi tôm truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao. Ông đầu tư lót bạt ny-lông ở đáy ao và làm lưới che phía trên không gian ao nuôi, có hệ thống xử lý nước ao, máy cho tôm ăn tự động… “Với sự chuyển đổi này, năng suất tôm mỗi vụ thu hoạch cao gấp 3-4 lần so với nuôi ao đất. Mỗi năm, tôi nuôi được từ 4-5 vụ chứ không chỉ làm được 2 vụ như cách nuôi truyền thống. Rủi ro dịch bệnh cũng được kiểm soát tốt hơn” - ông Đại nói.
Ao tôm công nghệ cao. Ảnh minh họa: Tepbac
Theo ông Nguyễn Văn Nhân, Trưởng phòng Kinh tế H.Nhơn Trạch, địa phương đang tích cực hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi sang mô hình ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm. Vì nuôi tôm công nghệ cao, người nuôi kiểm soát tốt về con giống, tỷ lệ hao hụt giống, an toàn dịch bệnh, lượng thức ăn vừa đủ theo nhu cầu của tôm và nhất là xử lý tốt nguồn phân tôm dưới đáy ao, đảm bảo môi trường trong nuôi thủy sản. Đặc biệt, năng suất bình quân đạt 15 tấn/ha/vụ. Người nuôi đạt lợi nhuận khoảng 1,1 tỷ đồng/ha/vụ với ao chìm và 1,5 tỷ đồng/ha/vụ với nuôi bồn tròn nổi; lợi nhuận cao hơn nhiều so với mô hình nuôi tôm truyền thống.