Vịnh Vũng Rô (thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, Phú Yên) có diện tích mặt nước tự nhiên khoảng 1.640ha, là vịnh nước sâu, kín gió rất thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản.
So với các vùng nuôi trồng thủy sản khác trong tỉnh, như đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu)…, nuôi trồng thủy sản ở vịnh Vũng Rô, nhất là nuôi tôm hùm và cá mú ít rủi ro hơn, nên ngày càng có nhiều người chọn Vũng Rô để đầu tư.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên, đến tháng 7/2012, trên diện tích 1.640ha của vịnh Vũng Rô có 355 bè với 8.660 ô lồng nuôi tôm hùm và cá biển, trải dài từ Bãi Chùa, Bãi Hương đến Bãi Lau... chiếm khoảng 22ha mặt nước. Còn theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hòa, doanh thu nuôi thủy sản mỗi năm ở Vũng Rô khoảng 300 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.
Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Văn Trúc, Vũng Rô là vùng không được quy hoạch để nuôi trồng thủy sản mà chủ yếu phát triển cảng biển và là khu vực phòng thủ về an ninh quốc phòng. Từ năm 2005, khu vực vịnh Vũng Rô đã được quy hoạch cho cảng Vũng Rô, không được nuôi thủy sản. Do các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý nên lồng, bè nuôi tôm cá cứ thế tự phát bung ra.
Câu chuyện nuôi trồng thủy sản ở Vũng Rô được chính quyền tỉnh để mắt đến sau khi báo chí phát hiện ở “khu vực phòng thủ về an ninh quốc phòng” này có nhiều người Trung Quốc núp bóng các doanh nghiệp để nuôi thủy sản trái phép. Sau khi báo chí lên tiếng, UBND tỉnh Phú Yên đã kiểm điểm nhiều cơ quan liên quan, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp, hộ gia đình phải tự tháo dỡ, di chuyển toàn bộ lồng bè ra khỏi khu vực vịnh Vũng Rô trước tháng 10/2013.
Quyết định này khiến nhiều hộ nuôi tôm hùm có thể mất trắng hàng trăm triệu đồng vì hiện tại, trọng lượng tôm hùm chỉ khoảng 700 gr, chưa đủ tiêu chuẩn 1-1,5 kg để xuất bán. Lãnh đạo địa phương cũng không hứa sẽ đền bù cho các hộ này.
Anh Trần Trọng Kỵ, (34 tuổi, quê An Hòa, huyện Tuy An), người đang sở hữu bè nuôi hải sản với 40 ô nuôi tôm hùm ở vịnh Vũng Rô cho biết, năm 2004, cả vùng vịnh rộng lớn này chưa đến 100 bè nuôi, mỗi bè cũng chỉ 10 đến 20 ô nuôi. Hơn 10 năm gắn bó với nghề nuôi tôm hùm tại đây, chưa bao giờ anh bị chính quyền cũng như các cơ quan chức năng nhắc nhở, xử phạt về hành vi nuôi trồng trái phép.
"Tôi luôn làm tròn nghĩa vụ với Nhà nước, địa phương, cả định kỳ cũng như đột xuất. Đùng một cái, tôi nhận được “lệnh” phải di dời lồng bè đi nơi khác mà không được đòi hỏi bất kỳ khoản đền bù nào”, anh bức xúc.
Anh Kỵ nhẩm tính, chi phí cho mỗi ô nuôi không dưới 6 triệu đồng, nhà trại hơn 60 triệu đồng, 2.000 con tôm hùm giống và cá giống nuôi hơn một năm nay đã ngốn hết trên 500 triệu đồng thức ăn, chưa kể mỗi ngày 4 công lao động…
Anh Đinh Văn Tiến, người cùng huyện Tuy An với anh Kỵ, đang sở hữu một bè tôm hùm thương phẩm trị giá trên 1 tỷ đồng chia sẻ, so với anh Kỵ, khối tài sản nằm dưới mặt nước này của anh chỉ bằng phân nửa, nhưng cũng phải tiền tỷ. "Hơn 15 tháng thả nuôi với bao công sức, hiện vốn đầu tư chưa thu hồi nên thật nan giải cho bà con chúng tôi khi phải di chuyển lồng, bè đi nới khác”, anh Tiến chia sẻ.
Cùng chung hoàn cảnh, ông Trương (An Chấn, Tuy An), người có 24 ô nuôi tôm hùm ở vịnh Vũng Rô lo âu: “Chúng tôi không thể kháng lệnh nhưng chấp hành thì biết dời đi đâu. Cả chục năm trời đầu tư vốn liếng, tâm huyết với nghề, giờ không nuôi thủy sản thì chúng tôi biết làm nghề gì để sống?”.
Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên, hầu hết người nuôi trồng thủy sản ở vịnh Vũng Rô từ các địa phương khác đến, như An Hòa, An Chấn (Tuy An), Vạn Ninh (Khánh Hòa)... Nếu họ trở về địa phương, mặt nước ở đó đã kín người nuôi. Với người dân trong tỉnh, nếu không giải quyết đủ địa điểm nuôi, nhiều người phải chuyển sang nghề khác. “Việc giải quyết di dời toàn bộ lồng, bè thủy sản ra khỏi Vũng Rô trước tháng 10/2013 là một bài toán khó”, ông Phương nói.
Ông Đào Thái Cường, Trưởng thôn Vũng Rô cho biết, sau khi có lệnh buộc phải di dời của tỉnh và huyện, khoảng 80% lồng bè đều không thả nuôi vụ tiếp theo. Trên vịnh hiện còn khoảng hơn 300 bè chưa di dời, cũng có nghĩa là còn chừng đó hộ dân đang không biết chọn lựa giải pháp nào.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đình Cự cho rằng, trước thực tế khó khăn trong việc di chuyển lồng, bè nuôi trồng thủy sản của người dân ở Vũng Rô, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng khảo sát một số vùng nuôi mới để xem xét di dời một cách phù hợp, tạo thuận lợi cho bà con làm ăn. Bên cạnh đó, cũng phải xem xét điều kiện của từng hộ nuôi, doanh nghiệp để tính toán tiến độ di dời phù hợp.
“Chính quyền buộc phải di dời nhưng di dời đi đâu thì không chỉ. Chúng tôi đang đứng trước biển và dường như không có sự chọn lựa nào khác là bỏ lại, thả lồng bè chìm xuống đáy hoặc kéo vào bờ bán nhôm nhựa, sắt vụn sau khi “bán lúa non” lứa tôm, cá này”, anh Trần Trọng Kỵ xót xa.