Phát biểu tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2017, do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức, Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn cho rằng, qua 30 năm đổi mới, kinh tế nông nghiệp xuất khẩu trung bình đạt xấp xỉ 30 tỷ USD. Trong bối cảnh suy thoái, nông nghiệp không chỉ là trụ đỡ mà còn là cứu cánh cho nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ góp phần ổn định chính trị của đất nước, ổn định cho nông thôn.
Theo ông Môn, đến nay xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp có mặt tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đáng chú ý, trong năm 2016, xuất khẩu rau củ quả đã vượt qua xuất khẩu gạo (chỉ đạt 2,2 tỷ USD, giảm cả về lượng và giá trị). Tuy nhiên, dù xuất khẩu với khối lượng lớn nhưng giá trị mang về lại rất thấp. Như với tiêu và điều, một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu lớn nhất nhì thế giới nhưng xét về giá trị chỉ đứng thứ 6. Do giá trị thấp nên dù xuất khẩu nhiều, đời sống của người nông dân vẫn khó khăn.
Theo ông Môn, để thúc đẩy xuất khẩu và gia tăng giá trị, cần giải quyết 10 vấn đề cơ bản: Chính sách thiếu đồng bộ, chưa liên thông; giải bài toán quy hoạch sản xuất; áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ và nâng cao cơ sở hạ tầng. Cùng đó cần giải quyết việc quy hoạch trong liên kết vùng, địa phương, các bộ ngành cũng như giải bài toán đầu vào, đầu ra cho sản phẩm đi đôi với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, cần rà soát tất cả cơ chế chính sách đồng bộ, liên thông, hiệu quả chứ không phải chỉ xúc tiến xuất khẩu. Chính sách ở đây đối với nông nghiệp là chính sách đất đai phải quy hoạch các vùng sản xuất phải đồng bộ, quy hoạch cả về hạ tầng như đường, điện, nước. Về giống cần đồng bộ và gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ. Về chính sách khoa học công nghệ, Chính phủ phải đặt hợp đồng với Viện nghiên cứu cây trồng chủ lực quốc gia. Như vậy mới tạo được ra những giống có năng suất, chất lượng”, ông Môn đề xuất.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, năm 2016 là thời điểm khó khăn, cạnh tranh trên thị trường gay gắt, biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, xuất khẩu vẫn đạt trên 176 tỷ USD, tăng 9%. Tuy không đạt 10% như chỉ tiêu Quốc hội đề ra, nhưng trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, 9% được coi là tăng trưởng nóng.
Để nâng cao giá trị gia tăng cho xuất khẩu Việt Nam, theo ông Hải, cần ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ trong ngành công nghiệp cơ khí, trong ngành công nghiệp điện tử, dệt may, da giày, trong ngành công nghiệp nhựa - cao su. Ngoài ra cũng phải nâng cao chuỗi cung ứng để giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh và quan tâm đến bao bì, nhãn mác, thương hiệu sản phẩm.
Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho rằng, thời gian qua hàng loạt các chính sách cũng như các hoạt động xúc tiến đầu tư ở các địa phương phần lớn các dự án của các nhà đầu tư Việt Nam đã được vinh danh. Ở đâu đó trong một vài lĩnh vực có thông tin doanh nghiệp Việt bị lép vế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cả trong chính sách và thực tiễn chúng ta đã giải quyết được vấn đề đó. Có chăng, xuất phát từ nguồn vốn, thị trường, doanh nghiệp Việt có thể bị lép vế so với các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam đã được ưu ái hơn so với trước.
"Chính phủ luôn đau đáu giúp cho doanh nghiệp. Cục Xúc tiến thương mại cũng mong muốn làm được nhiều và tốt hơn nhưng nhiều việc chưa làm được, chẳng hạn như việc kết nối với các doanh nghiệp, địa phương. Cục đang phối hợp với các Bộ, ngành để tìm ra cách làm thiết thực hỗ trợ nhiều hơn các doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại. Tham gia xúc tiến là đầu tư chứ không phải chi phí" ông Sơn nhấn mạnh.