Trong câu chuyện này, TS. Tạ Quang Ngọc, nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản nói một cách hình ảnh: “Để lớn lên, con tôm phải lột xác, rất khó nhọc. Ngành nghề nuôi tôm cũng vậy, để phát triển”.
Nhìn lại những năm 2000, Khánh Hòa có nhiều tỷ phú, làm giàu từ nuôi tôm, gồm cả tôm giống và tôm thương phẩm. Nhưng, không lâu sau đó, nghe xót xa, ai oán một điệp khúc “con tôm ôm nợ” trên khắp những cánh đồng tôm trù phú ngày nào giờ đã hoang phế, tang thương.
Làng tôm xơ xác. Nhiều hộ gia đình lâm cảnh nợ nần chồng chất, không có khả năng chi trả. Nhà cửa, ruộng vườn, xe cộ đem cắm hết ở ngân hàng. Thậm chí, có người không đánh đề, nhưng cứ phải... ra đê.
Thực tế cho thấy, Khánh Hòa không thiếu tiềm năng phát triển con tôm. Tiềm năng lớn, nhưng hiệu quả hiện còn bấp bênh; phát triển chưa thật sự bền vững là đánh giá chung của nhiều chuyên gia kinh tế về việc phát triển nghề nuôi tôm hiện nay ở Khánh Hòa nói riêng, khu vực Nam Trung Bộ nói chung. Song, nếu cứ nói như vậy thì chung chung quá. Phải chỉ ra cho được nguyên nhân vì sao hiệu quả bấp bênh; vì sao phát triển chưa bền vững.
Phiên họp Thường trực HĐND tỉnh tháng 3-2017 đặt ra vấn đề quy hoạch và quản lý quy hoạch nuôi trồng thủy sản. Nêu ra vấn đề như vậy là đúng. Nhưng chưa đủ. Vả lại, giải quyết vấn đề như vậy là chưa thỏa đáng. Giải trình của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có tính thuyết phục cao, ít nhất là trong vai trò tham mưu của mình. Vùng được quy hoạch, người dân không mặn mà vào nuôi, do không phù hợp; ví như xây chợ mà không có người vào mua bán vậy. Trước yêu cầu thực tiễn, người dân luôn mong mỏi có hệ thống quy hoạch phù hợp, có tính khả thi cao. Mà muốn có được điều đó, người làm quy hoạch phải thực sự sâu sát, am hiểu ngành nghề trên thực tiễn. Quy hoạch phát triển nghề tôm trên địa bàn cũng không đi ra ngoài dòng chảy ấy.
Trước đây, Khánh Hòa được coi là cái nôi sản xuất tôm giống của cả nước, mỗi năm sản xuất hàng chục tỷ con tôm giống, chiếm lĩnh một thị trường rộng lớn trên cả nước. Nhưng, những năm gần đây, Khánh Hòa đã không giữ được ngôi vị đầu bảng của mình nữa. Số lượng trại sản xuất giảm, sản lượng tôm giống của Khánh Hòa giảm mạnh. Hiện nay, trọng điểm nghề sản xuất tôm giống đang chuyển dần ra Phú Yên, vào Ninh Thuận, Bình Thuận. Nguyên nhân do đâu, trong khi thực tế cho thấy nghề sản xuất tôm giống hoàn toàn không phải là nghề kém hiệu quả kinh tế?
Hiện nay, nhiều tỉnh khu vực Nam Trung Bộ đầu tư mạnh nuôi tôm thương phẩm theo hướng hiện đại, ví dụ như Bình Định nuôi tôm trong nhà kính; Phú Yên hình thành chuỗi sản xuất; Ninh Thuận nuôi kết hợp tôm sú với hải sâm và rong biển... Trong khi đó, ở Khánh Hòa, huyện Vạn Ninh là địa phương mạnh về nuôi tôm thương phẩm, hiện nay cả diện tích lẫn sản lượng tôm thương phẩm đều giảm.
Liệu Khánh Hòa có khôi phục lại được thế mạnh của mình không, trong sản xuất tôm giống cũng như nuôi tôm thương phẩm? Giải quyết vấn đề đòi hỏi một tư duy phát triển có tính chiến lược cao.