Hàng năm, cá, tôm… xuất hiện rất nhiều trong mùa lũ. Vậy mà, những mùa lũ đã qua, nguồn lợi thủy sản này ngày một ít dần và cạn kiệt theo thời gian. Nhiều người mưu sinh theo con nước nổi cũng gặp không ít khó khăn.
Cá, tôm… ít dần
Giữa tháng 9 (âl), mực nước lũ ở các huyện đầu nguồn của tỉnh An Giang như: Châu Đốc, Tân Châu, An Phú và các huyện đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp như: Hồng Ngự, Tam Nông chỉ khỏa lấp bờ ranh. Cỏ, lúa chét mọc xanh um tùm giữa cánh đồng bao la. Những cái dớn nằm trơ vơ giữa cánh đồng mà ít ai ngó ngàng. Trải qua hàng trăm km mà trên các cánh đồng lại rất ít bóng người ra giăng lưới, thả câu, đặt bẫy cá…Trên những dãy nhà chống lũ trước đây, nhiều người lắc lư trên cái võng hoặc tụm 3, tụm 5 “trà dư tửu hậu”.
Xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang là vùng đầu nguồn, giáp với nước bạn Campuchia và cũng là nơi mà chúng tôi chọn để dừng chân. Đây là nơi đón nguồn nước lũ đầu tiên cho đồng bằng từ thượng nguồn sông Mê Kông. Năm nay nước lũ thấp, cá, tôm không nhiều, những người mưu sinh bằng nghề đóng đáy cá trên sông buồn rười rượi. Ghé thăm giang đáy của ông Trần Văn Hậu trên sông Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú, tỉnh An Giang) khi các lao động vừa đổ xong đáy cá buổi sáng ngày 13-10. Nhìn vào những thau cá, ông Hậu nói chắc được 60 kg cá là cùng, bán với giá 7.000 đồng/kg. Nếu trừ chi phí, gia đình còn được 200 - 300 ngàn đồng. 1 ngày đổ 5 lần, ông bỏ túi trên 1 triệu đồng. Ông Hậu đấu giá để được đặt miệng đáy này trên 300 triệu đồng. Ông Hậu cho biết: “Đón nước lũ, tụi tôi thường xuống đáy từ đầu tháng 7 (âl). Thời điểm này, nước bắt đầu đổ về, cá, tôm theo dòng chảy trôi xuống hạ lưu. Những năm nước lớn, khoảng tháng 9, cá chạy, cá kết, tôm… nhiều lắm, nhưng năm nay đã gần giữa tháng 9 vẫn chưa thấy các loại cá này. Thời gian đóng đáy cũng chỉ còn hơn 2 tháng nữa là hết”.
Sông Sở Thượng thuộc xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cũng là nơi được nhiều cư dân đóng đáy trong mùa lũ chọn để mưu sinh. Dòng họ ông Trần Minh Quang, 56 tuổi, người địa phương đã đóng đáy trên tuyến sông này từ nhiều đời nay. Ngồi trên miệng đáy, ông Quang tâm sự: “Mùa lũ này, ông xuống đáy từ đầu tháng 7 (âl) và đấu giá bến đóng trên 500 triệu đồng. Lũ nhỏ, cá tôm không nhiều nên hơn 2 tháng chỉ được trên 70 triệu đồng từ tiền bán cá tạp. Nếu tình trạng này kéo dài, gia đình sẽ lâm vào cảnh nợ nần”.
Chỉ tay về phía thượng nguồn, ông Quang nói tiếp: “Hơn chục năm trước, mùa nước nổi mần ăn ngon lắm. Khi nước lũ về cũng là lúc nhiều hộ dân làm nghề đóng đáy cá linh vào vụ. Trên sông có hàng chục đáy cá. Ngày trước, cá linh, cá sặc, cá rô, mè vinh, tôm càng xanh, cá lóc, cá trê… về theo luồng. Có những luồng cá quá nhiều, chủ phải rạch lưới cho cá ra bớt, nếu không sẽ bị rách lưới. Đó là câu chuyện mùa đáy của 10 năm về trước”.
Nghề đáy cá linh bao năm vẫn vậy, vẫn phụ thuộc vào con nước nổi. Đặt đáy bắt cá là hình thức đặc trưng của vùng đầu nguồn sông Hậu. Theo con nước, cá, tôm từ biển hồ (Campuchia) xuôi dòng về ĐBSCL sinh sôi, phát triển. Nơi đầu nguồn, để đảm bảo đánh bắt theo quy định, lưới cá không được tận thu, tận diệt nguồn cá thiên nhiên. Vì vậy, địa phương cho đấu thầu đáy cá để quản lý.
Làng nghề khốn khó
Vào thăm làng nghề ăn theo lũ ở các huyện đầu nguồn, không khí nơi đây thật đìu hiu. Phải mất nhiều thời gian mới tìm được nơi làm lọp dã chiến đặt ngay bên hông nhà ông Nguyễn Văn Buôn, ấp Vĩnh An, xã Tân Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Sau vài câu hỏi khách, ông Buôn cho biết, khu này giờ ít ai làm lọp cá lóc, lọp cua lắm! Chỉ còn vài hộ làm để đặt cho vui trong thời gian chờ xuống giống vụ lúa đông xuân. Trước đây, sắp đến mùa lũ, gia đình đi khắp nơi mua tre, trúc về đan lọp vừa đặt, vừa bán. Nghề này, ông đã làm mấy chục năm nay. Không lũ, nhu cầu không có nên gia đình ông không mấy mặn mà nữa. Những mối quen đặt hàng làm lọp ngày xưa của ông cũng “bặt vô âm tính” nhiều năm qua. “Vùng này, nghề làm lọp cá lóc có trên 30 năm và lọp cua cũng xuất hiện trên 15 năm. Ban đầu, có vài chục hộ làm nghề lọp cá lóc, lọp cua nhưng giờ đây chỉ còn vài hộ làm mà thôi. Lũ cao trước đây, xóm nghề làm lọp ở 2 ấp Vĩnh Hòa, Vĩnh An (xã Tân Hội Đông, huyện An Phú) phát triển mạnh. Tuy nhiên, khi lũ nhỏ dần, nghề ăn theo lũ này ngày càng mai một, chưa biết rồi đây sẽ như thế nào?” - ông Buôn tâm tư.
Giăng 200 m lưới, ông Nguyễn Văn Bi, xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang chỉ được 2 - 3 kg cá một ngày.
Nghề làm lọp đặt cá, tôm, cua đã tạo việc làm thường xuyên cho mấy trăm lao động ở xóm lọp Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang; giúp người dân ổn định cuộc sống từ nhiều năm nay. Những người có thâm niên trong nghề ai cũng lo lắng. Ông Nguyễn Văn Xinh, ấp Vĩnh An, xã Tân Hội Đông, huyện An Phú cho biết, trước đây nghề làm lọp nuôi sống được gia đình. Những năm gần đây, mực nước lũ ngày một thấp nên tôm, cá ngày một ít nên nghề làm lọp ngày một xa dần. Từ đó, cuộc sống gia đình ngày một khó khăn.
Nước không về, nhiều làng nghề ăn theo mùa nước nổi khác cũng thất bát. Xóm câu ở khóm Tây Khánh 8, phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang cũng buồn hiu hắt. Những năm qua, mùa lũ ngày một cạn kiệt thì những người làm nghề ở xóm này cũng kiệt quệ, chẳng ai mặn mà theo nghề nữa. Xóm câu ngày nào nhộn nhịp, đông đúc người làm, người mua bán thì nay tìm đỏ mắt chẳng được mấy người. Nếu như trước kia, số hộ làm lưỡi câu ở xóm lên đến cả trăm thì nay chỉ còn hơn 10 hộ bám nghề. Bà Nguyệt, 62 tuổi, bán lưỡi câu nơi đây ngồi thở dài khi được hỏi. Bà Nguyệt cho biết, nghề làm lưỡi câu ở xóm này thành nghề truyền thống từ bao đời nay. Bà sinh ra là đã có nghề này, rồi cả đời bà gắn bó với nó. Khoảng 10 năm trước, vào tháng này là cả xóm nhộn nhịp người làm câu, làm cả ngày đêm không xuể. Còn giờ, xóm này chỉ còn sót lại không bao nhiêu người.
Đối diện nhà bà Nguyệt, nhà bà Nguyễn Thị Tria cũng làm nghề lưỡi câu. Bà Tria đã hơn 60 tuổi nhưng giờ vẫn cố bám nghề làm lưỡi câu kiếm sống qua ngày. Cái nghề này theo bà từ thời con gái đến giờ nên bà nói “bỏ sao được”. Bà cố bám, còn con cháu bà không ai theo nghề do không đủ sống. Nhất là vài năm trở lại đây, nước nổi không còn, tìm đầu ra vô cùng khó khăn.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL cho biết, ĐBSCL có 2 loại cá trắng và cá đen. Cá trắng sống ở môi trường sông. Hàng năm, nó phải bơi lên thượng nguồn để sinh sản. Khi các đập chắn ngang dòng kinh thì nó không thể bơi lên thượng nguồn được. Từ đó, trứng cá và cá con không trôi về ĐBSCL. Điều đó, ảnh hưởng rất lớn đến dinh dưỡng của người dân, đặc biệt là người dân nghèo.
Sống chung với lũ, câu chuyện cuộc sống đã trở nên quen. Hình ảnh đẩy xuồng khắp các cánh đồng giăng lưới, đặt lọp, cất vó…tìm kế mưu sinh đã từng tạo nên bức tranh sống động ở một vùng quê. Nhưng giờ đây, các cánh đồng đã trở nên vắng vẻ. Lũ nhỏ, các phương án sống chung với lũ không còn cơ hội thực hiện. Lũ không về, hình ảnh đặc trưng của mùa nước nổi đang trở thành ký ức. Ai cũng nhận ra: Nước lũ không về, đồng bằng châu thổ mất đi tài nguyên vô giá. Tuy nhiên, chỉ có những người trực tiếp sống nhờ vào lũ mới hiểu hết và tiếc nuối.