Nơi nào cũng có tôm chết
Theo báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh (NN&PTNT) Kiên Giang, đến ngày 15-4 toàn tỉnh đã thả nuôi tôm nước lợ hơn 84 nghìn ha, trong số này có 68.655 ha tôm - lúa.
“Trong những ngày qua tình hình thời tiết có nhiều biến động, nắng gay gắt kéo dài ở một số địa phương trong tỉnh, nhất là vùng U Minh Thượng đã làm thiệt hại tôm nuôi trên diện rộng” - báo cáo nêu.
Theo tổng hợp của phóng viên đã có hơn 15 nghìn ha tôm nuôi của tỉnh Kiên Giang xuất hiện tình trạng tôm chết. Nhiều nhất là tại huyện An Minh hơn 11.600ha, huyện An Biên gần 3.200ha, huyện Vĩnh Thuận hơn 500ha.
Ông Võ Hoàng Việt, Trưởng Phòng NN&PTNT An Minh cho biết: Toàn huyện thả nuôi hơn 41 nghìn ha, thì diện tích bị thiệt hại đã chiếm hơn một phần tư. Số diện tích bị thiệt hại từ 50% trở lên chiếm một nửa, xem như lỗ chắc, số diện tích bị thiệt hại nhẹ hơn thì sau thu hoạch cũng chỉ bù vào chi phí đầu tư và con giống.
Về huyện An Minh, chúng tôi đi đâu cũng nghe người dân bàn về chuyện tôm chết, thiệt hại tiền tỷ. Tại các xã ven biển như nhà nào cũng có diện tích tôm nuôi bị thiệt hại. Ông Trần Văn Tặng, xã Đông Hòa nói: “Cả khu vực này chẳng hộ nào còn, có hộ đã thả lại lần ba nhưng tôm cứ bằng chiếc đũa là chết, đỏ cả ruộng. Tôm nhà tui thả được gần 50 ngày, bốn chục, năm chục con/kg, khi phát hiện có vài con chết thấy nhỏ không bắt, ai ngờ vài ngày sau tôm chết thúi cả nước, phải xả bỏ để cải tạo lại”.
Huyện Vĩnh Thuận thả nuôi hơn 20 nghìn ha thì có khoảng 500 ha bị thiệt hại từ 70-100%. Ông Võ Thanh Sự ngụ ấp Vĩnh Trinh, xã Vĩnh Thuận than: “Đầu năm đến nay tôi thả hai đợt rồi, cứ hơn một tháng tuổi tôm lại chết. Tôm bệnh và chết rất nhanh, không cách nào chữa trị”. Cũng tại xã này, nhiều hộ đã thả đến đợt thứ tư, nhưng không có thu hoạch.
Theo ông Nguyễn Hữu Hoa, Trưởng Phòng NN&PTNT An Biên, các xã Nam Thái, Nam Thái A, Nam Yên, Đông Thái của An Biên bị thiệt hại nặng. “Qua khảo sát, số diện tích bị thiệt hại đa phần rơi vào những ao tôm thả nuôi trước lịch thời vụ và việc quản lý chất lượng nước ao nuôi không thực hiện triệt để”, ông Hoa cho biết.
Nguyên nhân cũ, cách làm cũ
Theo nhận định của ngành nông nghiệp các huyện vùng U Minh Thượng, nguyên nhân tôm chết do sự biến động quá lớn về nhiệt độ giữa ngày và đêm. Ban ngày trời nắng nóng gay gắt nhưng về khuya lại lạnh, kèm theo nhưng cơn mưa trái mùa, gây sốc cho tôm. Hơn nữa, khi trời nắng nóng kéo dài, nước bốc hơi rất nhanh làm cho mực nước trên vuông nuôi xuống thấp, nhưng người dân lại không chủ động được ao lắng, nên không thể cấp bù nước kịp thời, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của tôm. Do không có ao xử lý nên những diện tích bị thiệt hại đều xả nước trực tiếp ra kênh, rạch làm lây lan dịch bệnh cho các khu vực chung quanh.
Hiện tại, người dân và ngành nông nghiệp đã và đang nỗ lực thực hiện các biện pháp khắc phục thiệt hại như thu hoạch tôm sớm bán bù chi phí đầu tư, con giống. Tổ chức các cuộc hội thảo đầu bờ, tập huấn kỹ thuật nhằm giúp nông dân khôi phục lại diện tích thiệt hại.
Khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng, gia cố đê bao bảo đảm giữ mực nước trên mặt ruộng đạt từ 50 cm trở lên. Trường hợp cần cấp thêm nước vào vuông thì phải lắng lọc kỹ, diệt hết các mầm bệnh, mới từ từ cấp vào vuông nuôi, tránh gây sốc cho tôm.
“Những ngày qua do có mưa, bà con cần nhanh chóng xử lý nước bằng vôi (Dolomite, Super Canxi…) và xả bớt nước mặt nhằm giảm axít, phèn. Khi phát hiện tôm có dấu hiệu bất thường như kéo dàn, chết rải rác dọc bờ vuông cần báo ngay cho cơ quan chuyên môn để xác định nguyên nhân gây bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời”, ông Nguyễn Hữu Hoa khuyến cáo.
Xét về địa điểm, thời gian và nguyên nhân tôm chết không có gì mới so với những năm trước và cách khắc phục của ngành nông nghiệp địa phương vẫn như những năm trước. Bởi, vấn đề phát triển bền vững của nghề nuôi tôm quảng canh ở Tây Nam Bộ nói chung và Kiên Giang nói riêng, thực trạng tôm chết không còn tài diễn tại thời điểm giao mùa và nhiều vấn đề khác liên quan vẫn chưa được giải quyết.