Công nghệ thiết kế và thi công đóng tàu cá và sử dụng vật liệu mới:
Một số nước như: Nhật, Pháp, Na Uy, Hàn Quốc,... đã phát triển công nghệ thiết kế vỏ tàu tự động và hệ thống bể thử hiện đại để thiết kế tàu cá. Họ cũng sử dụng các kỹ thuật tiên tiến trong thiết kế thi công, cắt, ghép vật liệu. Sử dụng công nghệ và kỹ thuật này sẽ giúp tạo ra các mẫu tàu cá phù hợp điều kiện Việt Nam và giảm giá thành.
Các vật liệu mới như: sợi thủy tinh, hợp kim nhôm, nhựa tổng hợp,... đã được sử dụng để đóng tàu cá nhằm tăng độ bền, cải thiện tính năng hàng hải, dễ thay thế và bảo dưỡng và góp phần bảo vệ nguồn gỗ ngày càng khan hiếm.
Mẫu tàu cá boong thao tác ở phía sau:
Mẫu tàu cá có boong thao tác ở phía sau được sử dụng phổ biến trên thế giới cho cả tàu vỏ thép, composite, gỗ,... Kiểu tàu này có tính ổn định tốt; chủ động tốc độ, hướng trong quá trình thu, thả lưới phù hợp điều kiện thực tế; thuận lợi cho quá trình cơ giới hóa các thao tác. Mẫu tàu này có thể áp dụng cho nghề lưới kéo, lưới vây. Việt Nam có thể du nhập mẫu thiết kế tàu này từ Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, các nước Đông Âu,... đối với tàu vỏ thép, composite; từ Philipppine đối với tàu lưới vây đuôi vỏ gỗ.
Máy móc và trang thiết bị cơ khí: Sử dụng máy tời treo thu lưới vây; máy tời thu lưới kéo; hệ thống thu-thả dây câu của nghề câu vàng; hệ thống thu, thả lưới chụp mực để giảm sức lao động và đảm bảo an toàn lao động. Các hệ thống này sử dụng hệ truyền động bằng thủy lực. Các hệ thống này có thể nhập khẩu hoặc chuyển giao từ các nước trong khu vực như: Nhật, Hàn Quốc, Philippine, Trung Quốc,...
Thiết bị điện, điện tử trên tàu cá: Một số thiết bị điện, điện tử sử dụng trên tàu cá có thể lắp đặt trên tàu cá Việt Nam: ra đa, định vị, máy nhận dạng tàu, máy dò cá ngang (cho tàu lưới vây và lưới kéo), máy phân tích môi trường (cho nghề câu cá ngừ đại dương) máy đo dòng chảy, phao vô tuyến, điện thoại vệ tinh,... để hỗ trợ việc dò tìm, đánh giá đàn cá và đảm bảo an toàn cho người và tàu cá khi hoạt động trên biển. Các thiết bị này có thể nhập khẩu từ Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Na Uy,...
Hệ thống truy xuất nguồn gốc và chứng nhận nguyên liệu điện tử cũng được áp dụng phổ biến trên thế giới. Công nghệ này giúp cơ quan quản lý truy xuất được nguồn gốc sản phẩm khai thác, chống đánh bắt bất hợp pháp, gian lận thương mại. Công nghệ này có thể phát triển và áp dụng trước mắt đối với các đối tượng xuất khẩu như: cá ngừ, cá kiếm, mực, bạch tuộc,...
Lưới vây khai thác cá ngừ: Sử dụng lưới vây (lưới dệt không gút) có kích thước phù hợp (chiều dài 1.300 – 1.500m, độ cao 180 – 250m) trên tàu có boong thao tác phía sau sẽ tăng hiệu quả đánh bắt của nghề. Lưới và phụ tùng có thể được nhập khẩu hoặc nghiên cứu chuyển giao đồng bộ với tàu có boong thao tác ở phía sau từ các nước: Nhật, Hàn Quốc, các nước Đông Âu, Philippine,... hoặc thi công trong nước dựa trên các thiết kế của nước ngoài để khai thác cá ngừ đại dương, cá nục heo và một số loài cá nổi khác ở vùng biển miền Trung.
Câu vàng cá ngừ đại dương: Vàng câu và kỹ thuật khai thác (mồi, độ sâu thả câu, thời điểm, xác định ngư trường, kỹ thuật thu câu, lấy cá...) câu cá ngừ đại dương của Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan ưu việt hơn Việt Nam về các mặt: năng suất và chất lượng (kích thước, độ tươi...) sản phẩm. Sử dụng đồng bộ ngư cụ, kỹ thuật khai thác và hệ thống thiết bị sơ chế, bảo quản trên tàu câu cá ngừ đại dương của một trong các nước nêu trên sẽ được cải thiện hiệu quả kinh tế nghề câu cá ngừ đại dương ở nước ta. Hệ thống này đã được thử nghiệm tại Bình Định, cho kết quả khá tốt và có thể nhân rộng trong sản xuất.
Nghề lồng bẫy: Lồng bẫy có thể được sử dụng để khai thác nhiều đối tượng có giá trị kinh tế cao, phân bố ở các vùng biển có nền đáy gồ ghề như vùng biển miền Trung và vùng dốc thềm lục địa như: tôm hùm, cá chình, cá song, cá hồng, mực nang, bạch tuộc,... Sử dụng ngư cụ này thay thế một số phương pháp hủy diệt đang được sử dụng ở nước ta như: lưới rê 3 lớp, sử dụng chất độc, góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và nâng cao chất lượng sản phẩm. Lồng khai thác tôm hùm, cá song, cá hồng có thể nhập khẩu hoặc chuyển giao từ Cu Ba, Mỹ, Úc, Hàn Quốc; bẫy cá chình, mực nang, bạch tuộc có thể nhập khẩu hoặc chuyển giao từ Hàn Quốc, Đài Loan.
Câu vàng thẳng đứng: Một số nước trên thế giới như: Mỹ, Nhật, Philippine,... sử dụng câu vàng thẳng đứng để khai thác cá ngừ (tập trung quanh chà, vật trôi nổi...) hoặc các loài cá sống ở các vùng biển có đáy gồ ghề như: cá song, cá hồng,... Việt Nam có thể áp dụng nghề này trên các tàu câu cá ngừ đại dương và trên các tàu khai thác cá ở các vùng đáy rạn, dốc thềm lục địa ở vùng biển miền Trung.
Ánh sáng tập trung cá: Ở các nước như: Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc,... hệ thống ánh sáng màu, đèn ngầm, đèn tiết kiệm điện được sử dụng phổ biến để tập trung cá trước khi đánh bắt. Hệ thống ánh sáng tập trung cá có thể sử dụng cho nghề lưới vây, chụp, vó để khai thác cá nổi ở tất cả các vùng biển nước ta để tăng năng suất khai thác.
Công nghệ dự báo ngư trường: Một số nước như: Nhật, Mỹ,... có công nghệ dự báo phân bố đàn cá ở vùng biển Tây Thái Bình Dương và Biển Đông khá chính xác, đặc biệt là cá ngừ. Các tàu lưới vây, câu cá ngừ của nước ta có thể sử dụng hệ thống thông tin này để hỗ trợ việc xác định ngư trường, tăng hiệu quả khai thác, giảm chi phí sản xuất.
Thiết bị xử lý, sơ chế sản phẩm: Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan... sử dụng các thiết bị làm chết nhanh cá ngừ đại dương và hệ thống hạ nhiệt nhanh để hạn chế các quá trình làm giảm chất lượng thịt cá. Thiết bị làm chết nhanh cá thường được áp dụng trên tàu câu cá ngừ đại dương của Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan,... làm cho cá chết nhanh, tránh vận động mạnh để giảm tổn thất chất lượng thịt cá. Bể làm lạnh nhanh được sử dụng để giảm nhanh thân nhiệt của cá sau khi chết, hạn chế quá trình phân hủy protein của thịt cá trước khi đưa vào hầm bảo quản. Hệ thống thiết bị này có thể sử dụng trên tàu lưới rê thu ngừ, câu vàng tầng đáy để giảm tổn thất chất lượng sản phẩm ở tàu cá Việt Nam.
Công nghệ sản xuất đá vẩy, nước biển lạnh: Nhiều nước trên thế giới: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ đã sử dụng máy làm đá vẩy từ nước biển để bảo quản sản phẩm khai thác trên tàu. Tàu cá lắp đặt máy này để sản xuất đá vẩy tại chỗ, nên sản phẩm có thể luôn được bảo quản ở nhiệt độ như mong muốn, tàu không phải dành không gian để lưu giữ đá,... làm giảm tổn thất chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất. Nước biển cũng có thể được làm lạnh ở nhiệt độ nhất định (-3 đến -50C) tạo thành dung dịch sệt hoặc ở dạng đá tuyết để bảo quản sản phẩm trên tàu cá. Thiết bị làm lạnh nước biển được sử dụng trên tàu cá của các nước như: Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc,... Các công nghệ này có thể áp dụng trên tất cả các loại nghề ở nước ta, đặc biệt là tàu câu cá ngừ đại dương, chụp mực, lưới rê.
Thiết bị cấp đông: Hệ thống thiết bị cấp đông (-18 đến -700C) được sử dụng phổ biến trên tàu cá công nghiệp vỏ sắt hoặc vỏ vật liệu mới ở các nước có nghề cá phát triển như: Mỹ, Nhật, Pháp, Na Uy, Úc, Ca Na Đa, Đài Loan,... Chúng cũng được lắp đặt trên tàu câu cá ngừ vỏ gỗ của các nước như: Trung Quốc, Đài Loan,... Hệ thống thiết bị này có thể áp dụng trên các tàu câu cá ngừ đại dương và tàu chụp mực ở nước ta nhằm tăng chất lượng sản phẩm đảm bảo yêu cầu của các thị trường quốc tế.
Bảo quản bằng Ni tơ lỏng: Công nghệ bảo quản sản phẩm bằng Ni tơ lỏng đang được áp dụng ở một số nước trên thế giới như: Nhật Bản, Mỹ, Israel,... Một số chuỗi liên kết cá ngừ của Nhật Bản đã sử dụng công nghệ này ở Nhật và một số quốc giá khác. Tàu câu cá thường sử dụng hệ thống này để bảo quản cá ngừ. Mỗi con cá ngừ nguyên con được bảo quản trong một hộp Ni tơ lỏng trong suốt quá trình bảo quản trên tàu và vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Cá ngừ được bảo quản bằng công nghệ này có chất lượng tốt, giá bán cao ở thị trường: Nhật, Hàn Quốc, Mỹ,... Công nghệ này có thể áp dụng trên tàu câu cá ngừ đại dương ở nước ta hiện nay.
Công nghệ làm đông tế bào: Công nghệ làm đông tế bào đang được sử dụng để bảo quản nông sản nói chung và thủy sản nói riêng. Công nghệ này đang được sử dụng ở Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, để bảo quản một số sản phẩm có giá trị kinh tế cao, trong đó có cá ngừ đại dương, mực,... Tương tự như công nghệ sử dụng Ni tơ lỏng, sản phẩm được bảo quản bằng hệ thống này có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như: Nhật, Mỹ, EU,... Công nghệ này đang được thử nghiệm tại Việt Nam và có thể áp dụng trên tàu câu cá ngừ đại dương ở nước ta.
Để việc áp dụng một số công nghệ tiên tiến trên thế giới và trong khu vực, chúng ta cần đầu tư nghiên cứu, chuyển giao, phổ biến, tuyên truyền cho người dân. Bên cạnh đó, cần triển khai đồng bộ với chính sách của Nghị định 67.