Ngư dân Trần Công Đức, Khóm 1, thị trấn Định An, huyện Trà Cú cho biết: gia đình có 01 cặp cào đôi (380CV/tàu), với ngư trường đánh bắt chủ yếu ở biển Cà Mau, Côn Đảo. Mỗi lần ra khơi đánh bắt (thời gian 10 ngày/chuyến) cần khoảng 10.000 lít dầu, trước đây, mỗi chuyến ra khơi (khi giá dầu còn thấp, khoảng 15.500 đồng/lít), sau khi chia thu nhập cho bạn ghe, thuyền trưởng… chủ ghe cũng còn lại hơn 100 triệu đồng/chuyến. Từ đầu năm 2022 đến nay, mỗi lần ra khơi, riêng chi phí nhiên liệu đã tăng thêm trên 110 triệu đồng/chuyến, nhưng sản phẩm sau đánh bắt không tăng, điển hình như cá lù đù, có giá dao động từ 17.000 - 20.000 đồng/kg (tùy loại), cá chim 420.000 đồng/kg bán tại Cảng cá Định An (huyện Trà Cú) cũng như thời điểm cuối năm 2021. Nhiều phương tiện đánh bắt xa bờ không dám ra khơi, mỗi lần ra khơi là lỗ…
Tại thị trấn Định An, huyện Trà Cú là địa phương hiện có thế mạnh về khai thác biển và các dịch vụ, thương mại trong lĩnh vực hậu cần nghề cá, chiếm tỷ lệ khá lớn nguồn thu cho địa phương. Hiện trên địa bàn thị trấn có 159 tàu khai thác biển (100 tàu có công suất trên 90CV). Theo ông Trang Văn Ngào, Chủ tịch UBND thị trấn Định An: 04 tháng đầu năm 2022, sản lượng khai thác biển chỉ đạt 30,1% kế hoạch (khoảng 5.212 tấn).
Do giá nhiên liệu tăng và giá sản phẩm sau khai thác có khuynh hướng giảm, từ đó, nhiều phương tiện đánh bắt “neo bờ”, các hoạt động dịch vụ cung cấp cho các ghe đánh bắt hải sản (nước đá, ngư lưới cụ, nhiên liệu…) cũng giảm mạnh. Đối với nguồn thu từ khai thác biển và dịch vụ, thương mại có liên quan đến khai thác, đánh bắt hải sản của địa phương chiếm gần 50%/tổng giá trị sản xuất. Nên dự báo các nguồn thu những tháng cuối năm 2022 sẽ gặp nhiều khó khăn.
Qua trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Thành, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá (thị trấn Định An, huyện Trà Cú) cho biết: những tháng đầu năm 2022 tuy thời tiết khá thuận lợi và đang vào thời điểm của mùa vụ khai thác biển; do ảnh hưởng giá nhiên liệu tăng cao, nên các phương tiện khai thác biển phải neo đậu nhiều hơn; thời gian “bám biển” cũng giảm hơn so với thời điểm trước khi giá nhiên liệu tăng. Sản lượng hàng hóa thông qua Cảng đạt 2.535 tấn; trong đó, sản lượng hàng hóa thủy sản 2.360 tấn; còn lại là sản lượng hàng hóa khác 172 tấn, giảm hơn 40% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Văn Quốc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết: hiện toàn tỉnh có 1.140 tàu (trong đó: 13 tàu có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên; 250 tàu có chiều dài từ 15m đến dưới 24m; 311 tàu có chiều dài từ 12m đến dưới 15m; 566 tàu có chiều dài dưới 12m), với tổng công suất 153.122CV và thuyền viên 4.193 người. Đến nay, có 232/232 tàu cá (trong đó 221 tàu có chiều dài từ 15m đến dưới 24m, 11 tàu có chiều dài từ 24m trở lên) trong diện bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá (đạt 100%). Do giá nhiên liệu tăng, các tàu đánh bắt xa bờ không có lời, nên thời gian “bám biển” giảm mạnh so với cùng kỳ, từ đó ảnh hưởng đến sản lượng khai thác hải sản, trong 05 tháng đầu năm 2022, sản lượng khai thác hải sản 19.680 tấn, so với cùng kỳ giảm khoảng 40%.
Cũng theo ngư dân Trần Công Đức, một điều nghịch lý hiện nay là khi giá dầu tăng thì giá sản phẩm đánh bắt lại giảm, do các thương lái phải khấu trừ thêm nguồn tăng nhiên liệu trong vận chuyển khi mua sản phẩm. Các chủ ghe mong muốn ngân hàng cần có chính sách khoanh nợ, giảm lãi suất, hỗ trợ vốn vay cho chủ phương tiện mua nhiên liệu đánh bắt.