Trong một bức thư ngỏ đăng trên website của Tổ chức Sáng kiến Kinh doanh có đạo đức (ETI) tuần trước, những người mua cho biết họ đang thúc giục Chính phủ Thái Lan tiếp tục con đường cải cách và làm việc có tính xây dựng với các chủ thể trong nước để đạt được sự chuyển đổi theo hướng nghề cá hợp pháp, có đạo đức và phát triển bền vững.
Các bên thêm gia vào ETI gồm các công ty Aldi South, Morrisons, Sainsbury’s, Tesco, và Waitrose; các công ty của Đức gồm Aldi North, Lidl International, REWE, và EDEKE; các công ty của Mỹ gồm Cargill, Kroger, Albertsons Companies, và Whole Foods; cũng như Liên minh hành động có đạo đức ngành thủy sản Anh (SEA Alliance), đại điện cho các công ty tham gia xuất khẩu thủy sản toàn cầu trị giá hàng tỷ đô trên toàn cầu từ Thái Lan.
Bức thư viết Chính phủ Thái Lan đã đạt được tiến bộ trong việc bảo vệ môi trường và công nhân khỏi bị bóc lột. Họ cũng nói thêm rằng những người mua sẽ tiếp tục kiểm soát và hỗ trợ việc hợp tác giữa chính phủ, các nhà cung cấp thủy sản với các tổ chức xã hội dân sự để đảm bảo rằng những cải cách quan trọng tiếp tục được thực hiện một cách hiệu quả.
Ông Art Prapha, cố vấn cao cấp của Oxfam America, cho biết bức thư là một phần trong nỗ lực bảo vệ khoảng 650.000 công nhân, bao gồm một số lượng lớn lao động nhập cư, khỏi bị bóc lột và lạm dụng.
ETI và 23 tổ chức khác, kể cả các thành viên của Nhóm đặc trách về thủy sản, đã đưa ra một tuyên bố chung vào tháng 12/2019 sau quyết định của Chính phủ Mỹ về việc đình chỉ các ưu đãi thương mại đối với Thái Lan. Tuyên bố này kêu gọi Chính phủ Thái Lan có các hành động để khôi phục các ưu đãi từ Mỹ, bao gồm cải cách luật lao động, chấm dứt yêu sách về mặt pháp lý và tư pháp của những người bảo vệ quyền lao động và hợp tác với các tổ chức công nhân để chấm dứt việc bóc lột lao động.
Do Chính phủ Thái Lan đã đạt được những tiến bộ trong việc giải quyết các vấn đề lao động và khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), Ủy ban châu Âu đã gỡ bỏ thẻ vàng cho Thái Lan vào tháng 1/2019. Trong vài năm qua, Thái Lan đã tiến hành nâng cao chất lượng quản lý nghề cá của mình nhằm giải quyết các khuyến nghị của EU. Nhưng các biện pháp cứng rắn của nước này đã dẫn đến một cuộc biểu tình của các ngư dân bị ảnh hưởng. Khoảng 8.000 ngư dân Thái Lan từ 22 tình ven biển đã tập hợp bên ngoài Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã vào ngày 17/12/2019 để yêu cầu chính phủ thông qua 11 yêu cầu của họ đã gửi tới Thủ tướng Chan-o-cha trước đó. Yêu cầu của họ bao gồm việc kêu gọi Chính phủ giảm bớt việc hạn chế đánh bắt, giải quyết tình trạng thiếu lao động, và hỗ trợ các khoản nợ chồng chất của ngành này. Các ngư dân cũng yêu cầu Chính phủ chi 10 tỷ THB (tương đương 330,3 triệu USD hay 298 triệu EUR) để mua tàu khai thác từ các chủ sở hữu của các doanh nghiệp đã bị phá sản vì luật thủy sản mới.