Khai thác bừa bãi
Theo điều tra của Trung tâm thông tin Tài nguyên và môi trường Cà Mau, toàn tỉnh hiện có 4 tầng nước ngầm trong đất liền, với độ sâu từ 58 - 280 m và 1 tầng nước ở đảo Hòn Khoai với độ sâu 30 m. Tuy nhiên, nước ngầm ở độ sâu từ 0 - 40 m đã bị nhiễm mặn; trong khi đó, độ sâu mà người dân khai thác để lấy nước sinh hoạt thường từ 80 - 150 m và từ 220 - 250 m để phục vụ sản xuất. Mới đây, Bộ NN-PTNT phối hợp với Viện Địa kỹ thuật Hoàng gia Na Uy (NGI) công bố giai đoạn 1 dự án nghiên cứu về “Sự sụt lún đất của bán đảo Cà Mau”. Kết quả cho thấy từ năm 1998 - 2013, mực nước ngầm hạ từ 10 - 20 m trong những địa tầng, tốc độ sụt lún mặt đất từ 30 - 80 cm. Dự báo trong 25 năm tới, tốc độ sụt lún sẽ tăng lên 90 - 150 cm và từ 120 - 210 cm trong 50 năm tới. Với tốc độ khai thác nước ngầm như hiện nay, trung bình mỗi năm, Cà Mau bị sụt lún từ 1,9 - 2,8 cm.
Thời gian qua, nông dân Cà Mau mở rộng diện tích nuôi tôm, gây tác động mạnh đến môi trường. Hệ thống bờ bao chưa hoàn chỉnh đã giải phóng lượng phèn trong đất ra nguồn nước; bùn đất nạo vét trong đầm tôm đổ thẳng ra sông làm bồi lấp kênh rạch... Việc người dân tự phát đưa nước mặn vào đất trồng lúa, đất rừng tràm phân tán để nuôi tôm, trong khi hệ thống thủy lợi chưa khép kín, chưa chủ động được nguồn nước ngọt trong những đợt hạn hán, đã làm cho nước mặn lan sâu vào nội địa.
Vào mùa nắng, khi độ mặn nước sông, kênh rạch cao hơn mức bình thường, người nuôi tôm ở Cà Mau thường “thủ” sẵn từ 1 - 2 giếng khoan để lấy nước ngọt pha vào vuông nuôi tôm. Anh Nguyễn Minh Sinh (ngụ xã Lợi An, H.Trần Văn Thời), một thợ khoan giếng lâu năm, cho biết: “Hiện có nhiều giếng khoan xong nhưng không sử dụng được, do không tìm thấy mạch nước ngầm, hoặc khoan đến độ sâu trên 100 m mà nước vẫn còn mặn. Chúng tôi đành phải bỏ lỗ khoan đó tìm đến vị trí khác”. Chính việc người dân thiếu ý thức, cứ khoan giếng vô tội vạ rồi bỏ không khiến cho nguồn nước ô nhiễm trên mặt đất có điều kiện xâm nhập vào mạch nước ngầm.
Sử dụng bền vững
Theo tiến sĩ Võ Thành Danh, Trường ĐH Cần Thơ, các tầng nước ngầm đã có từ rất lâu, gắn với lịch sử hình thành và phát triển ĐBSCL. Nếu không quản lý việc khai thác, thì hậu quả trước mắt là thiếu nguồn nước sử dụng; còn về lâu dài có thể mất cả triệu năm mới hồi phục được lượng nước ngầm đã mất. Ở Cà Mau vào mùa khô, mực nước ngầm đã tụt xuống; càng khai thác, các “túi nước” càng cạn kiệt và tạo thành dòng chảy thông nhau. Nếu một “túi” nào đó bị ô nhiễm hoặc nhiễm mặn thì sẽ lây sang nhiều túi khác và không thể sử dụng được.
Các nhà hảo tâm hỗ trợ người dân vùng nông thôn Cà Mau khoan giếng nước - Ảnh: Chí Tín
Giải pháp cần tiến hành hiện nay là trám, lấp lại các giếng nước bị hư hỏng để khắc phục tình trạng ô nhiễm; hạn chế khai thác giếng lẻ; có kế hoạch cung cấp và khai thác nước theo địa bàn; nghiêm cấm các hộ vùng ngọt hóa khai thác tầng nước mặn để phục vụ nuôi trồng thủy sản... Sở TN-MT Cà Mau đã lập dự án “Đánh giá hiện trạng khai thác và lập quy hoạch sử dụng nước dưới đất đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Cà Mau”, UBND tỉnh cũng tổ chức thực hiện đề án quản lý nước ngầm của tỉnh từ năm 2007. Tuy nhiên, do thiếu nhân lực và kinh phí, nên Cà Mau chỉ mới quản lý nguồn nước ngầm ở ven bờ; còn ngoài khơi vẫn chưa có khả năng vươn tới.
Cũng theo các nhà khoa học, nếu không nhanh chóng đề ra biện pháp đối phó, sự sụt lún có thể gây nhiều khó khăn cho Cà Mau trong thời gian tới. Các địa phương cần có kế hoạch giảm dần dần và tiến đến dừng hoàn toàn việc bơm nước ngầm, đồng thời tìm nguồn nước sạch khác thay thế, chẳng hạn như tái sử dụng nguồn nước từ các kênh, rạch... để phục vụ người dân.