Là sinh viên năm thứ 2 về kỹ thuật môi trường tại Pitt, Rabbat kết hợp cả tình yêu thiên nhiên và kiến thức học thuật của mình, để trở thành chủ tịch Dự án nuôi trồng cá rau – một sáng kiến nhằm cung cấp thực phẩm cho các cộng đồng, bằng các thực hành bền vững và các phương tiện tiêu tốn năng lượng hiệu quả. Các sinh viên ở Pitt, Carnegie Mellon và đại học Michigan cùng làm việc ở Dự án nuôi trồng cá rau, và phát triển một cơ sở cung cấp húng quế và cá cho các cộng đồng địa phương ở Pittsburgh.
Cơ sở East Liberty gồm một bể dung tích gần 2.000 lít nước nuôi cá hoàng đế với 30 tháp canh tác – các cấu trúc thẳng đứng trong bể cá có thể trồng mỗi tháp 27 cây húng quế. Việc vận hành thông qua kết hợp thuỷ canh và nuôi cá – aquaponics. Về cơ bản, cơ sở này tạo ra một hệ vòng tròn khép kín. Các phế phẩm của cá cung cấp dưỡng chất cho cây, trong khi cây giữ cho nước sạch để cá sống. Đầu vào duy nhất của hệ thống là thức ăn cho cá. Theo Rabbat, đầu ra là thực phẩm được sản xuất bằng phương thức tốt cho môi trường.
“Chúng tôi thực sự cố gắng tấn công toàn bộ vấn đề thực phẩm từ nhiều góc độ, để có thể sản xuất và phân phối cho cộng đồng, đồng thời sử dụng rác thải từ thực phẩm vốn thường được đem đi chôn cho chúng phân huỷ”, Rabbat nói.
Catherine Schrading, sinh viên năm 3 về môi trường học, đồng sáng lập Dự án nuôi trồng cá rau, từ hồi năm thứ 1 năm 2015 đã cùng với Vinh Luong, sinh viên khoa máy tính, có ý định tìm cho ra một giải pháp đối với các “sa mạc thực phẩm” – các cộng đồng trên thế giới không dễ tiếp cận thực phẩm tươi sống, lành mạnh.
“Đó là một nông trại cơ động cung cấp thực phẩm tươi”, Schrading nói. “Và cũng giáo dục người dân về việc từ đâu thực phẩm của họ có được, và mang việc đó đến với các cộng đồng không biết gì về mọi thứ canh tác và không tiếp cận được thực phẩm tươi sống”.
Trong khi dự án bắt đầu tại Pitt, các thành viên bổ sung từ các trường khác đem theo cùng với họ là một sự tiếp cận đa dạng hơn với các chuyên ngành học khác nhau, trong đó có khoa tin học và kỹ thuật. Nhóm gốc gặp các thành viên mới ngoài giờ lớp, thông qua các cơ hội tình nguyện và cộng đồng môi trường của Pittsburgh, Schrading cho biết.
“Chúng tôi cần sinh viên thuộc các ngành học khác nhau và chúng tôi có được sinh viên của ba đại học khác nhau, và mỗi ngành học sẽ đem lại những thấu thị khác nhau”, cô nói. Nhóm vừa đứng đầu trong cuộc thi 2017 Ford College Community Challenge, một cuộc thi về bền vững do quỹ của Ford Motor tổ chức – về cái dự án tháng 11 của họ. Họ nhận được 35.000 USD và một chiếc 2017 Ford Transit dành cho nông trại cơ động của họ.
“Chúng tôi muốn sinh viên nghĩ nhiều hơn về nhu cầu của cộng đồng, ảnh hưởng đến cuộc sống. Bằng cách để họ lao vào một dự án như thế chúng tôi giao cho họ sự dẫn đầu”, Farah Harb, điều phối viên chương trình giáo dục của Ford Motor Company Fund, nói.
Theo Rabbat, nhóm bắt đầu thiết kế dự án vào năm 2015. Sau một năm thu thập các khoản tài trợ, gây quỹ và chọn thiết kế cuối cùng cho cơ sở, họ bắt đầu xây dựng nông trại của họ từ một container cũ, hoàn thành cơ sở vào hè 2016. “Ý tưởng là bạn đặt cái container này bất kỳ ở đâu và bạn không phải cho quá nhiều nước trong đó, không phải cung cấp quá nhiều điện vào đó”, Rabbat nói. “Nó chỉ cung cấp thực phẩm cho cộng đồng ở đó là một sa mạc thực phẩm tại Mỹ, hoặc một nơi ở Sahara , châu Phi”.
Rabbat cho biết hệ thống sử dụng ít hơn 90% lượng nước thường dùng nuôi cá và cây, so với nuôi trồng truyền thống. Nhóm vừa có một vụ thu hoạch thành công mùa hè vừa qua. “Cách làm này phụ thuộc vào quan hệ cộng sinh giữa cá và cây”, Rabbat nói. “Mối quan hệ này cũng tẩy độc cho nước, nên bạn chỉ cần tái chế nước qua toàn hệ thống”.
Nhóm đã sử dụng dự án như là một công cụ dạy học dành cho cư dân Pittsburgh. Theo Schrading, nhóm làm các tour xuống cộng đồng để giải thích dự án hoạt động như thế nào, và như thế nào là một phương pháp bền vững trong cung cấp thực phẩm, vì nó đã phát thải rất ít.