Tại Quảng Ngãi, dịch bệnh xảy ra nhiều nhất ở huyện Tư Nghĩa với trên 30 ha, huyện Bình Sơn gần 10 ha và có rất nhiều hồ tôm, người nuôi phải chứng kiến cảnh tôm chết hàng loạt. Tại các huyện Mộ Đức, Đức Phổ hiện có rất nhiều hồ tôm bị bỏ hoang không xuống giống dù lịch thời vụ đã qua nhiều tháng. Đặc biệt, virus gây bệnh đốm trắng cho tôm trên địa bàn tỉnh đang lây lan ra diện rộng, ngành thủy sản tỉnh Quảng Ngãi và các địa phương có diện tích ao nuôi bị bệnh vẫn chưa có thuốc đặc trị, nên người nuôi tôm chỉ ngăn ngừa dịch bệnh bằng kinh nghiệm.
Trên cánh đồng tôm hơn 43,5 ha của xã Đức Phong giờ chỉ còn lác đác vài hồ nuôi. Không khí nhộn nhịp của mùa vụ không còn như những năm trước. Nhiều người đã bỏ hồ và không còn khả năng tái đầu tư do dịch bệnh xảy ra liên tục trong nhiều năm liền. Qua khảo sát thực tế và phản ánh của các hộ nuôi tôm cho thấy, tôm bị bệnh chết có thời gian thả nuôi từ 1-2 tháng thì bắt đầu có các biểu hiện: mang đen và sưng, màu sắc vỏ đậm, hơi chuyển sang màu hồng nhạt, đứt râu, mòn đuôi, tôm ăn yếu, bơi lờ đờ trên mặt nước rồi chết. Nhiều trường hợp tôm chết nhanh, đỏ toàn thân, có con thân trắng nhạt, tôm bỏ ăn, đường ruột rỗng.
Hiện Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ngãi đã lấy mẫu gửi ra cơ quan thú y vùng IV xét nghiệm để có kết luận chính xác hơn. Đây là năm thứ 3 liên tiếp nhiều vùng tôm nuôi trong tỉnh Quảng Ngãi bị bệnh đốm trắng gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm.
Ông Nguyễn Đức Lam, chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Chi cục về làm thủ tục cho bà con xử lý dịch bệnh theo quy trình. Trạm thú y hỗ trợ cho các hộ có hồ bệnh thuốc khử trùng. Tình hình đến nay bà con có thả lại nhưng không nhiều”.
Theo đánh giá ban đầu, nguyên nhân do phần lớn con giống đưa vào nuôi chưa qua kiểm dịch, mật độ con giống thả nuôi cao hơn so với quy định từ 20-40 con/m2, môi trường bị ô nhiễm, điều kiện thời tiết nắng nóng, làm các yếu tố môi trường ao nuôi như nhiệt độ, độ mặn, độ pH và độ kiềm biến đổi lớn dẫn đến hiện tượng tôm chết hàng loạt.
Bên cạnh đó, ý thức của người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh chưa cao, chủ yếu là tự điều trị và xả trực tiếp nước ao tôm bị bệnh chưa qua xử lý ra ngoài môi trường. Đó chính là những lý do khiến cho dịch bệnh lây lan nhanh, tác động trực tiếp đến dịch tích tôm nuôi của tỉnh Quảng Ngãi.